Tháng trước, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer, người có lập trường chống người nhập cư, đã đe dọa từ chức nếu những yêu sách của ông về kiểm soát biên giới, từ chối người nhập cư đã được đăng ký ở quốc gia khác, không được đáp ứng. Nếu thành hiện thực, vị Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo sẽ đẩy đảng “chị em” là Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) do bà Merkel lãnh đạo vào thế buộc phải tìm kiếm một Chính phủ liên minh mới.
Song đối với một người dày dặn kinh nghiệm chính trường cùng tài thương thuyết như Thủ tướng Angela Merkel, từng đó là chưa thể khiến bà gục ngã. Ngày 1/7, nhà lãnh đạo này đã đạt được thỏa thuận với ông Seehofer sau “cuộc đàm phán đầy căng thẳng”. Về phần mình, ông Seehofer úp mở: “Chúng tôi đã đạt được sự nhất trí rõ ràng về cách để ngăn người nhập cư bất hợp pháp tràn qua biên giới Áo – Đức trong tương lai”. Dù vậy, chi tiết cụ thể về thỏa thuận này vẫn chưa được tiết lộ.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz (trái) và người đồng cấp Đức Angela Merkel. (Nguồn: DPA) |
Tuy nhiên, diễn biến và kết quả của cuộc đàm phán này cũng chỉ ra rằng quan hệ mật thiết kéo dài hơn bảy thập kỷ giữa CDU và CSU đang gặp nhiều trục trặc, đặc biệt là liên quan đến vấn đề nhập cư. Quan trọng hơn, bà Merkel đã may mắn khi ông Seehofer, đứng trước áp lực từ nội bộ Đảng, giới truyền thông cùng nhiều thành viên khác trong nội các, phải “xuống nước” và có lập trường mềm mỏng hơn, qua đó mang đến thỏa thuận ngày 1/7.
Nhưng ở bên kia biên giới Đức, không có áp lực hay một đối trọng đáng kể nào có thể cản bước Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, chính trị gia có lập trường chống người nhập cư. Quan trọng hơn, ngày 1/7, Vienna đã chính thức thay Budapest đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên EU. Không nằm ngoài dự đoán, hồ sơ di dân sẽ là ưu tiên trong nhiệm kỳ sáu tháng này của Áo. Phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP) ngày 2/7, Thủ tướng Sebastian Kurz cho biết sẽ bảo vệ đường lối “cứng rắn”, kêu gọi một chính sách di dân khắt khe hơn và tăng cường bảo vệ các đường biên giới ngoài châu Âu.
Các nước EU đang chia rẽ trong những vấn đề cơ bản nhất của chính sách nhập cư, song đều đồng thuận rằng hành động là cần thiết. Với tư cách Chủ tịch luân phiên của EU, Áo sẽ nắm vai trò trung gian nhằm giải quyết xung đột quan điểm đang diễn ra trong khối. Nắm bắt được “nhịp điệu” của EU, vạch ra một chương trình hành động cụ thể sẽ là nhiệm vụ không hề đơn giản cho nhà lãnh đạo trẻ tuổi, khi quan điểm của Vienna luôn đối lập với Paris hay người hàng xóm Berlin.
Bên cạnh chính sách nhập cư, còn không ít vấn đề gai góc khác chờ Thủ tướng Sebastian Kurz giải quyết như đàm phán về ngân sách dài hạn cho EU. Nếu thành hiện thực, nó sẽ cắt giảm hỗ trợ cho các chính sách hỗ trợ nông nghiệp chung, song cũng tạo điều kiện cho khối có thể phát triển năng lực quân sự và cơ sở hạ tầng. Ông Kurz cũng cần tiếp tục kêu gọi EU tiếp nhận thêm thành viên mới như Albany và Cộng hòa Bắc Macedonia. Đây sẽ là những thử thách thực sự với nhà lãnh đạo trẻ, và là cơ hội để ông một lần nữa khẳng định rằng “tài không đợi tuổi”.