Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Phan Thị Minh Giang phát biểu tại Hội thảo công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 ngày 29/10, tại Hà Nội. (Ảnh: Thu Trang) |
Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam bên lề Hội thảo công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 tại Hà Nội ngày 29/10, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Phan Thị Minh Giang chỉ ra những điểm đáng chú ý của ấn bản này, cũng như những kết quả nổi bật trong việc thúc đẩy di cư an toàn của Việt Nam thời gian qua.
Xin bà cho biết ý nghĩa của Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 và những nét nổi bật của ấn bản này?
Hồ sơ Di cư có mục đích đánh giá hiện trạng di cư, mối liên hệ của di cư với phát triển, nâng cao việc sử dụng thông tin di cư trong hoạch định chính sách. Đây là một công cụ chính sách, không chỉ giúp đánh giá tình hình di cư và chính sách liên quan đến di cư trong một giai đoạn nhất định mà còn tăng cường sự gắn kết chính sách và thúc đẩy xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng do di cư là vấn đề đa chiều, đa lĩnh vực và cần có cách tiếp cận liên ngành.
Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 là ấn bản thứ ba sau hai Hồ sơ Di cư được công bố năm 2011 và 2016. Những thông tin, đánh giá tại Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 sẽ giúp chúng ta nhìn lại tình hình di cư của Việt Nam cũng như những kết quả đạt được trong xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến di cư trong giai đoạn 2017-2023 và nhận diện những vấn đề thách thức.
Tin liên quan |
Đại diện Phái đoàn IOM: Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 phản ánh nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn |
Các khuyến nghị được đưa ra tại Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023, theo tôi là những nội dung hết sức cần thiết và có ý nghĩa đối với các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách để tiếp tục nghiên cứu, triển khai nhằm tăng cường hơn nữa phối hợp liên ngành trong quản lý di cư, bảo vệ, hỗ trợ người di cư, giải quyết hiệu quả các thách thức của di cư và đóng góp thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
So với 2 ấn bản trước, Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 có một số điểm nổi bật đáng chú ý như sau:
Một là, lần đầu tiên bổ sung phân tích các dòng di cư của người nước ngoài vào Việt Nam và chính sách, pháp luật liên quan đến di cư của người nước ngoài.
Hai là, nhờ có hệ thống dữ liệu, thông tin đầy đủ hơn về di cư quốc tế, ấn bản này đã phác thảo rõ nét hơn bức tranh tổng quan về di cư quốc tế của Việt Nam với nhiều mảng số liệu có phân tổ thống kê mà hai Hồ sơ Di cư trước đây chưa thể bao quát hết.
Ba là, Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 đã phân tích đánh giá đầy đủ hơn về chính sách và thực tiễn bảo đảm quyền của phụ nữ trong quá trình di cư và cung cấp thông tin, kết quả việc triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) của Việt Nam theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Hội thảo công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức tại Hà Nội, ngày 29/10. (Ảnh: Thu Trang) |
Di cư quốc tế tiếp tục diễn ra với quy mô và tốc độ ngày càng mạnh mẽ đặt ra những thách thức gì trong công tác quản lý di cư của Việt Nam, thưa bà?
Trong giai đoạn 2017-2023, trừ giai đoạn chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài cũng như người nước ngoài di cư vào Việt Nam có chiều hướng gia tăng. Đối với dòng di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài, di cư lao động là loại hình chủ yếu, với trung bình mỗi năm hơn 100.000 người lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Di cư du học cũng duy trì đà tăng. Theo thống kê chưa đầy đủ Cục Lãnh sự nhận được và tổng hợp, mỗi năm có hơn 10.000 công dân ra nước ngoài học tập theo diện tự túc và ước tính hiện có hơn 250.000 du học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, còn có các loại hình di cư khác như kết hôn có yếu tố nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, đoàn tụ gia đình, đầu tư kinh doanh…
Đối với dòng di cư của người nước ngoài vào Việt Nam, nhìn chung các loại hình di cư cũng tương đối đa dạng, di cư lao động vẫn là loại hình chiếm chủ yếu, với 475.198 người nước ngoài được cấp phép lao động từ 2017-2022.
Di cư quốc tế đã tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam khi góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển thị trường lao động lành mạnh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bổ sung dự trữ ngoại hối...
Bên cạnh những mặt tích cực của di cư, chúng ta cũng gặp một số thách thức trong công tác quản lý di cư. Đó là vấn đề mua bán người qua biên giới, đưa người di cư trái phép; tình trạng di cư qua các kênh không chính thức, thiếu an toàn; tình trạng người lao động, du học sinh bỏ trốn, ở lại trái phép nước ngoài; người lao động Việt Nam tại một số địa bàn bị xâm phạm quyền và lợi ích; vấn đề chảy máu chất xám; người nước ngoài nhập cảnh, cư trú trái phép hoặc sử dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển để đi nước thứ ba, hoạt động vi phạm pháp luật...
Những vấn đề này không phải là mới, song đang trở nên ngày càng phức tạp do có nhiều nhân tố đan xen tác động. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta cần theo sát, nhận diện một cách chính xác nguyên nhân của từng vấn đề, dựa trên bằng chứng, hay nói cách khác, dựa trên số liệu cụ thể, xác định và điều chỉnh các biện pháp ứng phó cũng như có phản ứng chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng công tác quản lý di cư quốc tế, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư.
Bà hãy chia sẻ về quá trình phối hợp bộ, ngành và hợp tác quốc tế để xây dựng Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023?
Tại Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM ban hành kèm theo Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ định kỳ xây dựng Hồ sơ Di cư.
Đối với Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023, ấn phẩm này là một trong những kết quả của Dự án “Hỗ trợ chính sách và chương trình dựa trên bằng chứng trong bối cảnh di cư xuyên biên giới ở Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam thực hiện.
Để triển khai Dự án, Bộ Ngoại giao đã thành lập Nhóm công tác liên ngành thực hiện Dự án do Cục Lãnh sự làm Trưởng nhóm với sự tham gia của 23 đơn vị thuộc 18 bộ, cơ quan liên quan. Quá trình biên soạn Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 do Cục Lãnh sự chủ trì đã nhận được sự tham gia, phối hợp tích cực và nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan có liên quan, các thành viên Nhóm công tác liên ngành thực hiện Dự án và các nhà khoa học.
Hội thảo tập huấn về quản lý và phân tích dữ liệu ngày 22/8 tại tỉnh Vĩnh Phúc. |
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật gì trong việc thúc đẩy di cư an toàn?
Chính sách nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn, phòng, chống di cư qua các kênh không chính thức, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, bao gồm công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài và người nước ngoài di cư vào Việt Nam. Đối với thúc đẩy di cư an toàn, tôi cho rằng, thời gian qua đã đạt một số kết quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, việc tuyên truyền về các kênh di cư hợp pháp, an toàn đã được tiếp tục triển khai sâu rộng và mạnh mẽ bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm chuyển tải thông tin một cách chính xác, đầy đủ đến các nhóm di cư tiềm năng, các khu vực thường xảy ra các vấn đề di cư thiếu an toàn.
Các khuyến cáo, cảnh báo về tình hình đi lại, rủi ro của di cư qua các kênh không chính thức, các thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người, đưa người di cư trái phép, cũng đã được phổ biến kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh mua bán người nhằm mục đích cưỡng ép thực hiện hành vi phạm tội đang diễn biến phức tạp trong khu vực.
Thứ hai, thể chế, chính sách liên quan đến di cư được tiếp tục hoàn thiện, tạo thuận lợi cho di cư hợp pháp, an toàn.
Chỉ nói riêng trong lĩnh vực di cư lao động, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã có nhiều quy định cụ thể nhằm nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp dịch vụ, tăng cường công tác quản lý nhà nước, giúp giảm bớt chi phí di cư và bảo đảm di cư an toàn cho người lao động. Bên cạnh đó, nội dung tư vấn về di cư an toàn cũng đã được đề cập tại dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.
Thứ ba, trong thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn, sự phối hợp liên ngành ngày càng chặt chẽ, đồng bộ trong triển khai, hoạch định chính sách, giải pháp cũng như trong xử lý các vấn đề liên quan đến di cư và người di cư nhằm kịp thời bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Thứ tư, hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực liên quan đến di cư tiếp tục được tăng cường nhằm mở rộng các kênh di cư hợp pháp, an toàn.
Những năm qua, Việt Nam đã thúc đẩy ký kết các văn kiện hợp tác về lao động ở cấp Chính phủ, cấp Bộ, cũng như ở cấp địa phương, trong đó có nhiều thỏa thuận có tính chất linh hoạt hơn về thời hạn làm việc và đối tượng di cư, cụ thể hóa quy trình, trách nhiệm của mỗi bên ký kết trong việc hỗ trợ người lao động di cư Việt Nam.
Song song với việc mở rộng các kênh di cư hợp pháp, Việt Nam cũng đã hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trong phòng, chống di cư qua các kênh không chính thức, phòng, chống đưa người di cư trái phép, phòng, chống mua bán người, tập trung vào những tuyến đường di cư trái phép mà các đường dây đưa người thường xuyên sử dụng.
Thứ năm, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai Thỏa thuận GCM (được thông qua vào ngày 19/12/2018 tại kỳ họp khóa 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc) từ cấp trung ương đến địa phương. Có thể nói, đây là một nỗ lực rất quan trọng trong thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM từ rất sớm. Một số sáng kiến của Việt Nam trong triển khai Thỏa thuận GCM cũng đã được quốc tế đánh giá cao như việc thành lập mô hình Văn phòng Dịch vụ một điểm đến của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhằm thực hiện tư vấn, hỗ trợ miễn phí cho phụ nữ di cư hồi hương về các vấn đề pháp lý, tâm lý, việc làm, giáo dục...
Xin cảm ơn bà!
Cán bộ tư vấn cho phụ nữ di cư hồi hương tại Văn phòng Dịch vụ một điểm đến của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ở Cần Thơ. (Nguồn: Hội LHPNVN) |
| Cục trưởng Cục Lãnh sự: Nâng cao tính chủ động, sẵn sàng trong công tác bảo hộ công dân Theo Cục trưởng Cục Lãnh sự Doãn Hoàng Minh, định hướng triển khai công tác bảo hộ công dân trong thời gian tới sẽ là ... |
| Công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam với nhiều nội dung mới lần đầu tiên được cập nhật Sáng ngày 29/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức Hội thảo ... |
| IOM và Bộ Y tế bắt tay nỗ lực nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người di cư Ngày 18/9, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Bộ Y tế đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) tăng cường hợp tác trong ... |
| Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn: Trung Đông không thể chịu thêm một cuộc khủng hoảng di cư mới Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đang tích cực huy động nguồn lực để hỗ trợ dòng người từ Lebanon tràn ... |
| Nhật Bản hỗ trợ khẩn cấp 2 triệu USD cho IOM và UNICEF tại Việt Nam để khắc phục hậu quả bão Yagi Nguồn hỗ trợ quan trọng này sẽ góp phần giúp các hộ gia đình và trẻ em bị ảnh hưởng và phải di dời do ... |