📞

Vấn đề người di cư: Italy tuyên bố chưa ký thỏa thuận với Đức

16:54 | 29/09/2018
Ngày 28/9, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini tuyên bố Rome sẽ chưa ký thỏa thuận với Đức về việc phân bổ người di cư chừng nào các yêu cầu của Italy về việc sửa đổi Quy định Dublin chưa được đáp ứng đầy đủ.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Die Presse có trụ sở đóng tại Vienna (Áo), Phó Thủ tướng Salvini cho biết ông vẫn đang cân nhắc việc chính thức ký thỏa thuận với Đức. Theo ông, thỏa thuận này nên là một phần của một cam kết lớn hơn, theo đó Rome muốn thay đổi Quy định Dublin và đưa ra các quy định mới đối với các tàu cứu hộ người di cư trên Địa Trung Hải. Quan chức Italy khẳng định sẽ giữ quan điểm không ký chừng nào Đức vẫn không chấp nhận toàn bộ các yêu cầu của phía Italy.

Người di cư được cứu giúp trên biển. (Nguồn: AP)

Hồi giữa tháng 9, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer công bố rằng Đức đã đạt được một thỏa thuận với Italy nhằm trục xuất những người di cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, ông Seehofer không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về thỏa thuận mà chỉ giải thích rằng nó vẫn chưa được bên nào ký và sẽ mất một khoảng thời gian để hoàn tất. 

Trước đó một tháng, Đức cũng đã đạt được thỏa thuận tương tự với Hy Lạp và Tây Ban Nha. Theo thỏa thuận này, những người di cư sang Đức qua đường biên giới với Áo mà trước đó đã nộp đơn xin tị nạn ở Hy Lạp và Tây Ban Nha có thể sẽ bị gửi trả về hai nước này trong vòng 48 giờ đồng hồ.

Italy lâu nay được coi là một trong những quốc gia cửa ngõ của châu Âu để người di cư xâm nhập. Nước này hiện đang tìm cách thúc đẩy tiến trình sửa đổi lại Quy định Dublin. Quy định này cho phép người di cư được trao trả trở lại quốc gia châu Âu nơi mà họ đặt chân đến đầu tiên. Italy cho rằng quy định này là không phù hợp để quản lý dòng người di cư, đồng thời kêu gọi đưa ra một cơ chế mới công bằng hơn.

Hiện chính quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang chịu sức ép giảm số người nhập cư mới đến nước này. Đã có hơn 1,6 triệu người di cư, phần lớn trong đó trốn chạy khỏi các cuộc xung đột ở Trung Đông, tới Đức kể từ giữa năm 2014. Chính sách mở cửa với người di cư của chính phủ Thủ tướng Merkel đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của một bộ phận không nhỏ người dân Đức và các đảng đối lập tại nước này, trong đó có đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD). Bất đồng về chính sách tị nạn của bà Merkel đã tạo cơ hội cho AfD, một chính đảng theo chủ nghĩa dân túy, lần đầu tiên giành được một số ghế trong quốc hội nước này trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi năm ngoái.

(theo TTXVN)