📞

Vấn đề thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Ruble: Phản ứng tiếp theo của Nga, tuyên bố còn thời gian cho các quốc gia 'không thân thiện'

Chu Văn 08:59 | 23/04/2022
Ngày 22/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, không có bất cứ thay đổi nào về thời gian biểu của Nga yêu cầu các công ty nước ngoài thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Ruble.
Nga khẳng định không có bất cứ thay đổi nào về thời gian biểu yêu cầu các công ty nước ngoài thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Ruble. (Nguồn: Russiabusinesstoday.com)

Ông Peskov nêu rõ, tất cả thời hạn thanh toán đã được quy định trong sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin vào cuối tháng 3/2022 và các khoản thanh toán phải được thực hiện theo sắc lệnh này.

Thông báo được đưa ra sau khi Vương quốc Anh quyết định cho phép thực hiện giao dịch với ngân hàng Gazprombank của Nga để thanh toán tiền mua khí đốt cho đến cuối tháng 5/2022.

Một tài liệu của Bộ Tài chính Anh cho hay, nước này cấp phép cho các khoản thanh toán đối với Ngân hàng quốc doanh Gazprombank (Nga) và các chi nhánh của ngân hàng này cho tới ngày 31/5 tới, qua đó đảm bảo nguồn cung khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU).

Theo tài liệu được đăng tải trực tuyến, giấy phép trên cho phép một cá nhân hoặc doanh nghiệp tiếp tục thanh toán trong khuôn khổ hợp đồng bắt đầu trước ngày 21/4 và cho phép các hoạt động như mở và đóng tài khoản ngân hàng để thực hiện các khoản thanh toán nêu trên.

Trước đó, ngày 18/4, ông Peskov tuyên bố vẫn còn thời gian để các quốc ia được coi là "không thân thiện" với Nga chuyển sang thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Ruble, với thời hạn vào tháng 5/2022.

Hầu hết các nước châu Âu đều phụ thuộc vào khí đốt của Nga, song việc từ chối sẽ dễ dàng hơn đối với các nước không trực tiếp tiếp cận với đường ống từ Nga - đó là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Đây là nhận định của ông Igor Yushkov, chuyên gia phân tích chính của Quỹ An ninh năng lượng quốc gia (FNEB).

Chuyên gia Yushkov nêu rõ: “Nhiều nước châu Âu lệ thuộc vào khí đốt của Nga. Chỉ có Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha độc lập được, đó là những nước mà đường ống của Nga hoàn toàn không vươn tới. Đường ống dẫn khí đốt của chúng ta đi đến tất cả các nước còn lại, do đó tùy mức độ nhiều hay ít họ đều phụ thuộc vào nguồn cung cấp của chúng ta”.

Vương quốc Anh là quốc gia thứ ba mua khí đốt của Nga nhưng không thông qua đường ống. Nga bán khí đốt cho nước này thông qua hình thức trao đổi với Na Uy - Na Uy nhận lượng khí đốt Nga cung cấp qua đường ống của Nga và chuyển cho người Anh khí đốt của họ thông qua đường ống cũng của họ. Ngoài ra, Anh còn mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga qua đường ống Yamal.

Liên quan khí đốt của Nga, Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins ngày 22/4 tuyên bố các nước Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva là thành viên của Liên minh châu Âu không mua khí đốt của Nga vào thời điểm này và cũng sẽ cố gắng tránh mua trong tương lai.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau một cuộc gặp của Thủ tướng 3 nước nói trên, ông Karins cho biết, "Chúng tôi sẽ hợp tác để đảm bảo có đủ nguồn cung khí đốt và chúng tôi sẽ sử dụng kho khí đốt ngầm tại Latvia".

(theo Reuters, Sputnik)