📞

Vận đen của kinh tế Nga

10:18 | 27/12/2014
Những cảnh báo liên tục được phát đi từ nền kinh tế Nga.
Người Nga đổ xô đi mua hàng khi tiền mất giá và hàng hóa trở nên khan hiếm.

"Ngày thứ Ba đen tối - 16/12” là cụm từ được nhắc khá nhiều những ngày qua ở nước Nga khi chỉ trong một buổi chiều, đồng Ruble mất giá tới hơn 10% và được ghi nhận là lần sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính tại quốc gia này năm 1998. Nhiều người Nga đã bắt đầu liên tưởng đến hàng người dài đứng trước cổng ngân hàng và bưu điện để rút tiền, lãi suất tăng lên trên 100% và đẩy Nga vào cảnh vỡ nợ.

“Cơn choáng váng”

Sáng 16/12, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) ra đòn cực mạnh, nâng bổng lãi suất từ 10,5% lên 17%, nhưng chiều hôm đấy, đồng Ruble vẫn giảm thêm 19% xuống ngưỡng 80 Ruble/1 USD bất chấp từ đầu ngày. Quyết định nâng lãi suất đột ngột là động thái chưa từng có trong vòng 16 năm qua, nên cú sụt giảm này thực sự là một diễn biến bất ngờ đối với cả Nga cũng như giới tài chính toàn cầu. Nó cho thấy sự mất kiểm soát của CBR và chính sách tiền tệ không còn là công cụ hữu hiệu.

Giá dầu, trong khi đó, tiếp tục phá đáy xuống dưới 59 USD/thùng. Thị trường chứng khoán và dự trữ ngoại hối Nga đều xuống mức thấp nhất trong năm năm qua. Như vậy, cả giá dầu và đồng Ruble đều đã giảm trên 50% trong vòng vài tháng. Hồi đầu tháng 8/2014, Ruble còn ở mức 1 USD đổi 35 Ruble. Giá dầu vào ngày 19/6 vẫn ở mức 115,71 USD/thùng.

Sự sụp đổ quá nhanh chóng của đồng Ruble thực sự khó lý giải và là một thách thức lớn chưa từng có đối với Tổng thống Putin. Cuộc khủng hoảng giờ đây không còn thuần túy về mặt kinh tế. Sau thời điểm này, với hàng loạt biện pháp nước rút của Chính phủ, hiện giá trị đồng Ruble đã tương đối bình ổn, duy trì ở mức trên dưới 60 Ruble/USD. Tuy nhiên, người dân Nga vẫn không khỏi hoài nghi về sự ổn định của nó, dù Moscow tuyên bố dùng 7 tỷ USD để vực dậy đồng Ruble và ổn định thị trường.

Điều tồi tệ vẫn chưa tới

Thị trường tài chính Nga vẫn chưa qua “cơn choáng váng”. Lần đầu tiên sau sáu năm, kinh tế Nga đang đứng trước ngưỡng cửa suy thoái.

Phát biểu ngay sau sự sụt giảm sâu của đồng nội tệ, Thống đốc CBR Elvira Nabiullina cho rằng thị trường tiền tệ Nga đang chịu áp lực từ sự đầu cơ. Đồng Ruble rớt giá liên tục trong suốt nhiều tháng qua đã hình thành tâm lý hoảng loạn trong người dân, sự mất cân đối giữa cung và cầu đối với đồng USD dẫn đến việc đồng USD càng tăng giá thì người dân lại càng muốn mua để tích trữ.

Bà Nabiullina Elvira thừa nhận đang hình thành điều gì đó tương tự như hiện tượng "bong bóng tài chính" trên thị trường tiền tệ Nga. Ngoài ra, bà Nabiullina cũng như nhiều chuyên gia kinh tế Nga khác đều cho rằng đồng Ruble đang bị định giá thấp từ 10-20% so với giá dầu thế giới.

Giá dầu sụt giảm cũng khiến nền kinh tế Nga thiệt hại khoảng 90-100 tỷ USD mỗi năm, bởi doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm đến 50% ngân sách và 60% xuất khẩu của Nga.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia phân tích của Nga và thế giới cho rằng hiện tượng đồng Ruble trồi sụt chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, trên thực tế, thách thức mà Nga đang phải đối mặt bắt nguồn từ những yếu tố chính trị. Theo họ, ai cũng hiểu kinh tế không phải là nguyên nhân duy nhất khiến đồng Ruple trượt giá và càng không phải là lý do để “vàng đen” giảm sâu. Trong buổi họp báo cuối cùng của năm 2014, Tổng thống Putin đã thẳng thừng tuyên bố Phương Tây đang tìm cách tạo ra các mối đe dọa mới để xiềng xích “gấu Nga”.

Các động thái trừng phạt trả đũa lẫn nhau giữa Phương Tây và Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, được áp dụng kể từ tháng 3/2014 tới nay đang đẩy nền kinh tế thế giới đến những con số thiệt hại ngày càng lớn. Cùng với các lệnh trừng phạt là tình trạng suy giảm lòng tin của giới đầu tư, các công ty Nga không thể huy động nguồn vốn từ nước ngoài, trong khi dòng tiền vốn từ Nga lại đang chảy ra ngoài. Theo công bố của Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov, Nga đang thiệt hại tới 40 tỷ USD mỗi năm do các biện pháp trừng phạt mang động cơ địa chính trị từ Phương Tây.

Tất cả những yếu tố đó kết hợp và tác động với nhau đã đẩy nền kinh tế Nga vào tình trạng suy giảm trầm trọng.

Trên AFP, Chris Weafer - Nhà phân tích của Macro Advisory nhận định rằng, sau tuần qua, nền kinh tế Nga trong sáu tháng tiếp theo chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Niềm tin đối với CBR, tiền tệ và chiều hướng phát triển của nền kinh tế đều bị lung lay. Tiêu dùng và đầu tư sẽ chịu nhiều hậu quả từ việc nâng lãi suất. Lạm phát sẽ cao hơn vì đồng tiền yếu đi. Các ngân hàng sẽ phải quay sang cầu cứu chính phủ và các kệ hàng hóa sẽ trống trơn dịp năm mới.

Việc Apple dừng bán trực tuyến tại Nga chỉ là mở đầu cho một xu hướng, các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng nhập khẩu đang dần trở nên khan hiếm.… Lạm phát có khả năng sẽ đạt ngưỡng 15% trong những tháng tới. Ngân hàng trung ương Nga ước tính nền kinh tế có thể sẽ tăng trưởng âm 5% trong năm tới nếu giá dầu vẫn ở mức hiện tại.

Minh Anh