📞

Vân Đồn - Đặc khu kinh tế tương lai

09:28 | 15/08/2013
Vân Đồn có vị trí chiến lược quan trọng quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng, có tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và dịch vụ trong khu vực Đông Bắc Bộ và cả nước. Hiện Chính phủ và các cơ quan chức năng đang tích cực khảo sát, đánh giá để hoàn thiện đề án xây dựng Huyện đảo Vân Đồn thành đặc khu kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát Vân Đồn.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác đã thị sát vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và hạ tầng kinh tế - xã hội huyện đảo Vân Đồn (thuộc tỉnh Quảng Ninh), Thủ tướng cũng thị sát tuyến đường biển Vân Đồn với các khu vực: Vườn Quốc gia Ba Mùn, đảo Minh Châu, Quan Lạn và địa điểm xây dựng khu vực sân bay Vân Đồn tại xã Đoàn kết. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trên cơ sở đề xuất của tỉnh Quảng Ninh, Chính phủ sẽ xem xét các cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm xây dựng đặc khu hành chính - kinh tế Vân Đồn trình Trung ương và Quốc hội quyết định.

Vân Đồn sẽ thành đặc khu hành chính-kinh tế?

Đây sẽ là 1 trong 14 khu kinh tế ven biển của cả nước và là động lực quan trọng về kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước nói chung. Vân Đồn cũng là một trong những cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng, được xác định là động lực chính để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Với diện tích trên 2.000 km2, trong đó vùng biển rộng hơn 1.600 km2, Khu kinh tế Vân Đồn sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch cao cấp, trung tâm thương mại và tài chính quốc tế, đầu mối giao thương và hậu cần, các công trình đầu mối - dịch vụ giao thông đường thuỷ và hàng không, gắn với phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp sạch, chất lượng cao.

Theo UBND tỉnhh Quảng Ninh, hiện địa phương này đang thuê tư vấn nước ngoài phản biện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn và triển khai quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 các phân khu chức năng như: hệ thống đảo từ khu kinh tế đến huyện Hải Hà; khu đô thị Cái Rồng; khu cảng - đô thị phía Bắc đảo Cái Bầu, khu vực đảo Minh Châu-Quan Lạn và khu vực đảo Ngọc Vừng.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đề xuất với Trung ương cho phép xây dựng Vân Đồn thành đặc khu hành chính - kinh tế để tiến hành thí điểm đổi mới, cải cách đồng bộ và toàn diện cả về thể chế, cơ chế chính sách, bộ máy hành chính và quản lý điều hành.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Huyện đảo Vân Đồn có đặc điểm vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nối liền với Vịnh Hạ Long. Vân Đồn là một quần đảo vòng quanh phía Đông và Đông Bắc vịnh Bái Tử Long với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ; trong đó đảo lớn nhất là Cái Bầu. Phía Đông Nam của huyện, gồm các đảo lớn như: Trà Bàn, Cao Lô, Quan Lạn, Đông Chén, Thẻ Vàng, Ngọc Vừng, Cảnh Tước…với nhiều bãi tắm đẹp, khí hậu trong lành và những di tích lịch sử văn hóa, có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế dịch vụ du lịch.

Thăm xã đảo Ngọc Vừng Anh hùng, sau khi nghe lãnh đạo xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, đại diện đơn vị quân đội, biên phòng đóng quân trên đảo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh trên địa bàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, quân và dân địa phương trong thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh, từng bước vươn lên một cách bền vững về mọi mặt, nhất là trong xây dựng nông thôn mới; mở rộng các mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định hơn cho lao động tại chỗ…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dự án xây dựng Vân Đồn thành đặc khu hành chính – kinh tế đòi hỏi rất nhiều nội dung công việc, với những giải pháp tổng thể trong đó, quan trọng hàng đầu là hành lang pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù, nhằm khai thác và phát huy tối đa thế mạnh của huyện đảo giàu tiềm năng này, đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực phía Bắc và cả nước. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ mong muốn, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh, huyện Vân Đồn và xã Ngọc Vừng tiếp tục phấn đấu, duy trì tình đoàn kết, đồng thuận quân dân; tăng cường công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; thiết thực đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác đã thị sát địa điểm quy hoạch xây dựng cảng hàng không Quảng Ninh tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn. Với diện tích trên 284 ha, cảng hàng không Quảng Ninh sẽ đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh dài 3.000m, rộng 45m theo chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2020, cảng hàng không Quảng Ninh sẽ đón 2 triệu lượt hành khách và đến năm 2030, đón 5 triệu lượt hành khách.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng khoảng 300 hộ dân để triển khai dự án này.

Yên Ninh