Shizo Kanakuri không phải là người chạy chậm. Ông từng lập kỷ lục thế giới khi hoàn thành chặng đua marathon 40 km trong 2 giờ 32 phút và 45 giây tại một sự kiện trong nước, đủ điều kiện để ông và một vận động viên khác đại diện cho Nhật Bản tại Thế vận hội mùa Hè năm 1912, tại Stockholm, Thụy Điển.
Thời điểm đó, Nhật Bản không coi trọng thể thao, chính vì vậy, họ không được đài thọ chi phí mà phải nhờ đến các bạn đại học vận động quyên góp, kết quả thu được 1.500 Yen, trong đó anh cả của Kanakuri đóng góp 300 Yen.
Chuyến đi đến Thụy Điển kéo dài 18 ngày, bằng tàu thủy và tàu hỏa. Tại mỗi ga, Kanakuri sẽ tranh thủ xuống tập chạy rồi vội vã lên tàu.
Khi đến quốc gia Bắc Âu, Kanakuri phát hiện mình không hợp với đồ ăn địa phương. Tệ hơn nữa, huấn luyện viên của Kanakuri bị mắc bệnh lao và phải nằm điều trị. Điều này khiến cho Kanukuri và đồng đội không được tập luyện trước khi thi đấu.
Vào ngày diễn ra trận đấu, nhiệt độ nóng như thiêu đốt, trong số 68 người tham gia, chỉ có 34 người về đích. Một vận động viên Bồ Đào Nha đã nhập viện và qua đời vào hôm sau - người đầu tiên tử vong trong một kỳ Thế vận hội.
Kanakuri khi ấy chỉ có một đôi giày đường phố mỏng, không đủ để chiến đấu lại những đoạn đường sỏi đá nóng rực trong thời tiết lên tới 32 độ C. Được khoảng hai phần ba chặng đua (hơn 25km), Kanakuri buộc phải dừng lại trước một ngôi nhà gần đó và xin nước uống. Sau khi được "tiếp tế" nước uống, hoa quả, bánh quế và bộ quần áo mới, Kanakuri nằm nghỉ trên chiếc ghế dài và ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy đã là sáng ngày hôm sau.
Vận động viên trẻ của Nhật Bản vô cùng thất vọng và xấu hổ. Trong nhật ký, ông viết: “Đó là buổi sáng sau thất bại của tôi. Trái tim tôi đau nhói và có lẽ sẽ ân hận suốt quãng đời còn lại. Đó là ngày quan trọng nhất cuộc đời tôi”. Thế nhưng, Kanakuri cũng cho rằng, thất bại làm nên thành công. Và để làm lại, Kanakuri sẽ luyện tập với tất cả sức lực, trau dồi kỹ năng chạy marathon để nâng cao uy tín của đất nước.
Ông lặng lẽ trở về Nhật Bản mà không báo cho ban tổ chức Olympic hay quan chức Thụy Điển. Không rõ tung tích của Kanakuri, các nhà chức trách coi vận động viên đến từ Nhật Bản đã mất tích. Kể từ đó, xuất hiện những đồn đoán về vận động viên này, nhiều người cho rằng, ông đã chạy khắp đất nước trong nhiều năm để tìm về đích.
Trở về Nhật Bản, Kanakuri tiếp tục tập luyện, tham gia vào đào tạo, chia sẻ những kinh nghiệm, câu chuyện của bản thân và "lôi kéo" những người trẻ tham gia chạy đường dài. Ông cũng bắt đầu tuyển chọn và đào tạo vận động viên nữ, dạy trẻ khiếm thị chạy bằng cách nắm vào một sợi chỉ.
Ông được cho là người đã phát minh chạy tiếp sức đường dài (chạy Ekiden) đến nay vẫn được yêu thích ở Nhật Bản.
Ông tiếp tục đại diện Nhật Bản tham dự Thế vận hội mùa Hè 1920, tổ chức tại Bỉ, hoàn thành chặng marathon trong 2 giờ 48 phút 45,4 giây và xếp thứ 16. Nhưng ông đã không hoàn thành chặng đua tại Thế vận hội mùa Hè 1924.
Năm 1967, kỷ niệm 50 năm Thế vận hội mùa Hè 1912, câu chuyện “mất tích” của Kanakuri lúc này đã 76 tuổi thu hút sự chú ý của nhiều người. Vận động viên người Nhật Bản mất tích trở nên nổi tiếng hơn nhiều so với bất kỳ vận động viên giành huy chương nào của cuộc đua, ông cũng khiến nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng vẫn sống khỏe mạnh ở quê nhà.
Ông được mời trở lại Stockholm và hoàn thành chặng đua tuổi trẻ của mình. Một buổi lễ được tổ chức và đưa tin rầm rộ trên các phương tiện truyền thông Thụy Điển. Và khi Kanakuri vượt qua vạch đích, ban tổ chức ghi nhận, thời gian hoàn thành chặng marathon là 54 năm 8 tháng 6 ngày 5 giờ 32 phút 20,3 giây.
Một phát thanh viên tại sân vận động nói: “Điều này kết thúc tất cả các sự kiện từ Thế vận hội Stockholm năm 1912” và Kanakuri nói đùa: “Đó là một chuyến đi dài. Trên đường đi, tôi đã lập gia đình, có 6 người con và 10 đứa cháu ”.