📞

Vận dụng văn hóa trong Ngoại giao Tâm công

05:59 | 17/12/2008
Hồ Chủ tịch đã được tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới. Con người Bác kết tinh đầy đủ những nét tinh túy nhất của văn hóa phương Đông. Bác là người đã đưa nét đẹp nhân văn của Việt Nam đến với các dân tộc trên thế giới.

Nhiều lần tôi tự hỏi tại sao Bác không những chiếm được lòng tin yêu của nhân dân trong nước, mà còn có thể cảm hóa được cả kẻ thù, khiến họ phải cảm phục và tôn trọng Người? Phải chăng đó chính là cách Người vận dụng văn hóa trong hoạt động đối ngoại, một yếu tố quan trọng của  Ngoại giao tâm công.

 

Ngoại giao tâm công là một trong những phương pháp đặc sắc của ngoại giao truyền thống Việt Nam. Cho đến nay, tôi vẫn chưa nghe nói đến khái niệm này ở một quốc gia nào khác. Song khái niệm này thực ra rất giản dị. Ngoại giao tâm công là thu phục lòng người bằng chính nghĩa, chinh phục bằng nhân tình, thuyết phục bằng lẽ phải và đạo lý.

 

Phương pháp ngoại giao này vốn được sử dụng từ rất lâu trong lịch sử Việt Nam, từ thời Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt...  Nhưng người sử dụng phương pháp ngoại giao này được thế giới biết đến nhiều nhất chính là Bác Hồ, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam.

 

Khi đến viếng công viên Rajghat nơi M. Gandi bị sát hại, Bác Hồ đã cởi giầy đi chân không theo tập quán của người địa phương, đặt một vòng hoa và trồng một cây hoa đại mang từ Hà Nội sang để tưởng niệm vị Thánh của nhân dân Ấn Độ, làm những người chủ nhà vô cùng cảm kích.

Đến Pháp, khi phóng viên hỏi xoáy: “Ông có phải là cộng sản không?” Bác đã ung dung lấy hoa cắm trên bàn xuống tặng cho mọi người và trả lời: “Tôi là người cộng sản như thế này đây”.

 

Đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên được ấn tượng của một nhà ngoại giao một nước phương Tây khi tôi cho xem bức ảnh Bác Hồ ở Paris, tay che nòng đại bác. Dường như hình ảnh của Bác để lại không những đã cảm phục được những người đương thời mà còn vượt thời gian đến với những thế hệ sau này.

 

Văn hóa kết hợp trong mình sức mạnh tinh thần của dân tộc. Chọn văn hóa để đi vào lòng người là một cách nâng cao vị thế của dân tộc mình trong mắt thế giới, phát huy tinh hoa, văn hóa của mình trong hoạt động đối ngoại sẽ tạo sự hiểu biết và tôn trọng của bạn bè thế giới với dân tộc mình.

 

Đối với tôi, Ngoại giao tâm công thực ra không là gì khác ngoài việc áp dụng những kiến thức văn hóa vào trong hoạt động ngoại giao. Văn hóa là nội lực có thể phát huy được một dân tộc, góp phần làm giàu văn hóa thế giới và đưa đến những sự hợp tác quốc tế. Lấy chủ nghĩa nhân đạo và nhân văn làm nòng cốt để từ đó thuyết phục bạn bè và cảm hóa đối phương với đặc trưng là khiêm tốn, nhã nhặn và sự thành thực tự nhiên, đó chính là điểm khởi đầu của Ngoại giao tâm công và cũng là điểm mấu chốt của Ngoại giao văn hóa.

 

Chu Phương(Vụ Châu Âu, Bộ Ngoại giao Việt Nam)