📞

"Văn hóa bệt" trong ẩm thực đường phố Hà Nội

11:03 | 16/11/2016
Không mái che, không người phục vụ, thậm chí không… bàn, nhưng những hàng quán như vậy không biết từ bao giờ đã trở thành một nét đặc trưng, in đậm trong tâm trí người Việt.

Có những điều thân thuộc bình dị...

Dạo quanh ngõ ngách Hà Thành, không khó để bắt gặp những hàng ăn mang phong cách rất Việt. Từ hàng chè, cháo, kem cho đến những món ăn cầu kỳ hơn như phở, bún, miến… tất cả đều có thể được đặt gọn trong quang gánh hay xếp trên chiếc xe đạp giản dị.

Nếu đã có “thương hiệu”, người bán chỉ cần ngồi một chỗ, bày ra thúng hoặc xuống đất những nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn để phục vụ thực khách. Những người còn lại thường phải gánh theo “quán ăn” của mình đi dọc phố phường. Mỗi khi có người gọi, người bán chỉ cần tìm một khoảng đất trống, ngả vài chiếc ghế nhựa, như vậy đã thành một hàng ăn thực thụ.

Bữa sáng bên gánh hàng rong tại khu phố cổ Hà Nội. (Nguồn: Zing)

Không như những hàng quán sang trọng có cả một đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp, khi đến với quán ăn bệt, thực khách phải tự tìm chỗ, tự bưng bê. Nếu chẳng may lơ đãng, bạn sẽ ngay lập tức bị người khác… chiếm chỗ.

Dân công sở và những người sống quanh khu vực phố Quán Sứ đã không còn lạ lẫm khi nghe nhắc đến hàng miến, bánh đa của cô Nụ. Mở hàng từ sáng sớm và chỉ dọn hàng khi nồi nước dùng đã cạn, “quán ăn” của cô lúc nào cũng đông khách. Hai vợ chồng cô cùng thoăn thoắt phối hợp nhịp nhàng, người trụng miến, chần rau, người nêm nếm gia vị và hoàn thành các khâu cuối cùng của bát bánh đa ngon lành.

Chị Như, một khách hàng quen của quán cô Nụ chia sẻ: “Bánh đa của hàng này có hương vị vô cùng đặc biệt. Tuy chỗ ngồi có bất tiện, lại phải bưng bát trên tay suốt, nhưng được ngồi quây quần vừa trò chuyện cùng mọi người, vừa thưởng thức bữa trưa ngon miệng cũng có cái thú vị riêng của nó”.

Nếu sống ở Hà Nội, bạn chắc chắn đã có đôi ba lần ngồi ăn ở những quán bệt như thế. Du khách phương xa hẳn sẽ ngạc nhiên nếu lần đầu chứng kiến cảnh ăn uống lạ kì đến vậy. Nhưng một khi được trực tiếp trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc này, đó sẽ là một kỉ niệm đáng nhớ về vùng đất ngàn năm văn hiến.

“Linh hồn” của ẩm thực đường phố Hà thành

Có vô vàn những lí do để cả người bán và người mua lựa chọn hình thức quán ăn bệt. Với một chiếc ghế làm bàn cùng vài chiếc ghế khác xếp tròn xung quanh, những hàng quán như thế đã in sâu vào ký ức của biết bao người. Mỗi khi đi xa, nhớ về phố phường Hà Nội, hình ảnh quán xá tưởng như không có gì đặc biệt lại chính là kỷ niệm khiến người ta cảm thấy bâng khuâng.

Đã gánh hàng bún riêu đi khắp phố cổ từ hơn 7 năm nay, cô Loan vừa nhanh tay chan thìa nước dùng vàng óng vừa tâm sự: “Phải gồng gánh vì không có chỗ ngồi, nhưng đừng tưởng vì thế mà bất tiện. Có những niềm vui mà chỉ có gánh hàng thế này mới có được. Mùa Đông, khi người ta đang xuýt xoa vì lạnh mà 'bắt' được gánh bún của tôi thì ngang với bắt được vàng. Mỗi người một ghế, ngồi bệt xuống vỉa hè, xì xụp hết bát bún thì cũng thấy ấm lòng”.

"Văn hóa" bệt dường như đã trở thành linh hồn của ẩm thực đường phố Hà Thành. (Nguồn: Dân Trí)

Có những hàng ăn vỉa hè mà thậm chí còn đông khách hơn cả những cửa hàng, quán ăn khang trang. Người sành ăn sẽ phải tìm đến tận phố Lương Ngọc Quyến để thưởng thức bún ốc, hay không quản ngại xa xôi để đến Ngõ Huyện hoặc Hàng Bồ, ăn bằng được bát cháo sườn thơm ngọt...

Ngày nay, nhiều quán cà phê vỉa hè cũng được mở ra. Dân nghiện cà phê không còn xa lạ với những cái tên như cà phê Nguyễn Du, cà phê Thọ... Ngồi ở những quán này, bạn có thể gọi cho mình một ly cà phê, vừa thưởng thức, vừa nhìn ngắm đường phố, đắm chìm trong không gian Hà Nội rất thơ mộng.

Không phải nói quá khi gọi những hàng ăn vỉa hè với danh xưng “văn hóa bệt”, bởi với nhiều người Hà Nội, những quán ăn này chính là linh hồn của Thủ đô, không thể mất đi mà cũng chẳng điều gì có thể thay thế được.

Bác Vinh (54 tuổi, phố Hàng Gai) chia sẻ: “Sống ở phố cổ từ lúc sinh ra đến giờ, với tôi hàng rong đã trở thành một phần kí ức. Một ngày không nhìn thấy các gánh hàng đi qua phố, ngày hôm ấy thế nào tôi cũng cảm thấy thiếu. Dù chẳng sang trọng nhưng chính nó là đặc trưng, là linh hồn cho văn hóa ẩm thực của thành phố này”.

(theo Dân Trí)