Nhỏ Bình thường Lớn

Văn hóa châu Á qua tinh hoa cổ vật

Gần 100 hiện vật tiêu biểu có nguồn gốc từ 10 quốc gia (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam) đã hội tụ trong không gian trưng bày tại số 25 Tông Đản, Hà Nội.
Đĩa gốm nhiều màu, thời kỳ Edo, thế kỷ 17 - 18 của Nhật Bản.

Kéo dài từ ngày 8/10/2013- 1/2014, cuộc trưng bày mang tên Châu Á - Những sắc màu văn hóa nhằm chào mừng thành công của Hội nghị lần thứ 4 Hiệp hội các bảo tàng quốc gia Châu Á 2013 (ANMA 4) tại Hà Nội. Tại đây, bức tranh châu Á cổ xưa đã hiện lên phong phú, đậm nét, góp phần giúp khách tham quan có cái nhìn sâu hơn về đặc điểm, nét độc đáo cũng như sự giao thoa giữa các nền văn hóa ở mỗi quốc gia. Đó là những hiện vật quý được chế tác bằng nhiều chất liệu như đồng, gốm, đá, bạc, đất nung... với nhiều loại hình khác nhau về vật liệu kiến trúc, đồ gia dụng, đồ trang trí, thờ cúng…

Tại cuộc trưng bày này, Việt Nam đã giới thiệu nghề đúc đồng vốn được biết đến từ thời kỳ dựng nước và phát triển rực rỡ ở thời văn hóa Đông Sơn. Trải qua thời gian cùng sự phát triển của nó, nghề đúc đồng đã đạt tới độ tinh xảo, thể hiện qua sưu tập đồ thờ bằng đồng thời Lê - Nguyễn thế kỷ 15-16. Bên cạnh đó là những cổ vật hiếm thấy như bộ sưu tập gốm men ngọc được khai quật từ tàu đắm Hòn Dầm; Bình gốm tô nhiều tượng lạc đà, tượng phụ nữ tạo hình theo phong cách tả thực của Trung Quốc; Phù điêu Avalokitesvara bằng đá, thời đế chế Pala từ thế kỷ 10 ở Ấn Độ; Tượng Thần Shiva trên lưng bò Nandin bằng đồng từ thế kỷ 19 ở Thái Lan; Đài thờ Vishnu bằng đá thời kỳ Angkor ở Campuchia. Sắc màu Nhật Bản nổi bật với một số tác phẩm điêu khắc Phật giáo và sơn mài độc đáo. Người xem rất thích thú nhìn ngắm bộ đĩa gốm từ thời kỳ Edo, thế kỷ 17-18…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, phòng trưng bày đã lựa chọn được những hiện vật mang tính văn hóa cao, ấn tượng như chiếc chuông sứ vẽ nhiều màu ghi hẳn niên hiệu "Đại Minh Gia Tĩnh niên chế" mà nhiều bảo tàng ở Trung Quốc không có. Đặc biệt hơn là chiếc chuông sứ vẽ rồng mây ở Hàn Quốc - một hiện vật mà ngay các chuyên gia của Hàn Quốc cũng phải thừa nhận là hiện vật thuộc hàng quốc bảo. Phần lớn hiện vật ở đây cho thấy đời sống tâm linh, phương thức sinh hoạt rất đa dạng trong đời sống xã hội của mỗi quốc gia đều mang những bản sắc riêng biệt độc đáo, từ đó tạo nên bức tranh rực rỡ sắc màu của di sản văn hóa châu Á.

Với khối lượng di sản văn hóa khổng lồ đang được bảo quản và lưu giữ, châu Á hiện hữu ba nền văn minh nổi tiếng nhân loại: Nền văn minh Lưỡng Hà, nền văn minh Trung Hoa và nền văn minh thung lũng sông Hằng. Sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, không gian địa lý và khí hậu đã tạo nên sự gần gũi thống nhất về văn hóa các nước ở đây. Tuy nhiên, mỗi nước lại có những cách sáng tạo, chế tác lên hiện vật mang bản sắc riêng. Tại Hội nghị ANMA 4, các đại biểu đã chia sẻ những thông tin về sưu tập hiện vật, kinh nghiệm quản lý, bảo quản, tổ chức, trưng bày, nghiên cứu, giáo dục...

Những năm gần đây, các bảo tàng quốc gia ở châu Á đã không ngừng nâng cao nhận thức và hiệu quả của các hoạt động nhằm hiện thực hóa sứ mệnh, tầm nhìn của mình trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của mỗi nước. ANMA ra đời cũng nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác và trao đổi văn hóa giữa các nước châu Á để phối hợp hành động, đưa giá trị các di sản văn hóa châu Á đến với công chúng ngày một phong phú, đa dạng hơn.

HÀ ANH