Hình ảnh trong clip quảng bá Việt Nam trên YouTube. |
Du lịch tự "xốc mình"
Vào cuối năm 2020, du lịch Việt Nam đã nói đến câu chuyện tăng tốc và phục hồi, thì dịch Covid-19 quay trở lại khiến năm 2021 tiếp tục là năm của những khó khăn nan giải, trong khi thị trường quốc tế chưa xác định được thời gian mở cửa.
Mặc dù được ghi nhận là một trong những quốc gia phòng chống Covid-19 hiệu quả nhất thế giới, nhưng du lịch Việt Nam sẽ vẫn chịu tác động sâu sắc của dịch bệnh.
Bởi vậy, trong cuộc họp chỉ đạo vừa qua tại Tổng cục Du lịch, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Phải bắt tay ngay vào công việc, thực hiện nhiệm vụ của năm 2021 nhưng cũng cần phải có những cách tiếp cận mới, mục tiêu mới và cách định hình khác, đặt nền móng cho phát triển du lịch cả năm năm của giai đoạn 2021- 2025”.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch thì hiện nay các doanh nghiệp du lịch đang ở trong tình trạng kiệt quệ. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, đến khi dịch được khống chế, du lịch Việt Nam sẽ phải đối mặt những lỗ hổng lớn về nguồn nhân lực, sản phẩm, cơ sở vật chất và định hướng thị trường.
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết hiện tại đã có hơn 500 doanh nghiệp lữ hành không thể tiếp tục hoạt động, xin thu hồi giấy phép, 90-95% doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động, công suất buồng phòng khách sạn chỉ còn 10-20%... Ông bày tỏ quan ngại: “Để đoàn tàu du lịch tiếp tục lăn bánh trên đường ray với những tổn thương nặng nề như hiện nay không hề đơn giản. Bởi lực lượng lao động trong ngành đang có sự dịch chuyển lớn sang ngành khác mà phải mất 5-7 năm mới có thể hồi phục như năm 2019”.
Trước những khó khăn đang phải đối mặt, Tổng cục Du lịch đã báo cáo, đề xuất với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bốn nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, ngoài việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, tiếp tục tập trung vào thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì các nhiệm vụ cần được ưu tiên thực hiện như đưa Quỹ hỗ trợ phát triển đi vào hoạt động, cơ cấu lại ngành Du lịch, sản phẩm du lịch, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh.
Để thúc đẩy du lịch sớm phục hồi trong năm 2021, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh du lịch Hà Nội xác định năm 2021 tập trung kích cầu du lịch nội địa, người Việt Nam đi du lịch Việt Nam và người Hà Nội đi du lịch Hà Nội.
“Năm 2021 sẽ là cơ hội tái cơ cấu ngành du lịch, nên chúng tôi sẽ tổ chức một số sự kiện làm điểm nhấn như: Lễ hội áo dài vào tháng 10 và một số sự kiện như lễ ẩm thực, lễ hội quà tặng… nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội về làng nghề, nông thôn mới và cố gắng kéo dài thời gian lưu trú của du khách”, bà Đặng Hương Giang chia sẻ.
Văn hóa linh hoạt chuyển mình
Ngay từ đầu năm, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động văn hóa phải tạm dừng và hàng loạt các di tích lịch sử phải đóng cửa. Tuy nhiên, những người làm văn hóa vẫn có những cách làm mới để văn hóa không bị “đóng băng” và tiếp tục lan tỏa những giá trị vốn có.
Mới đây, hai clip truyền thông quảng bá về Việt Nam với chủ đề “Việt Nam – Đất nước, con người” và “Việt Nam – Điểm đến Văn hóa và Ẩm thực” trên nền tảng YouTube đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng và nhanh chóng vượt mốc một triệu lượt xem chỉ trong thời gian ngắn.
Sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng cùng nhiều nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng như Khoai Lang Thang, Chan La Cà, Hoa hậu H’Hen Niê, Fly Around Vietnam, Flycam 4K, Minh Travel, Opps Banana… đã cho thấy sức lan tỏa của chương trình truyền thông hình ảnh Việt Nam trên nền tảng số.
Nếu như “Việt Nam - Đất nước, con người” giới thiệu về với những thước phim sống động từ thửa ruộng bậc thang độc đáo đặc trưng của Tây Bắc, cảnh sắc kỳ vĩ và hệ sinh thái phong phú của hang Sơn Đoòng hay những giây phút bình yên trên ghe thuyền giữa miền Tây sông nước..., thì “Việt Nam - Điểm đến Văn hóa và Ẩm thực” được ra mắt vào dịp Tết nguyên đán Tân Sửu mang đến không khí đoàn viên ấm áp và an nhiên.
Hình ảnh giàu cảm xúc về những nét đẹp văn hóa trong phong tục của người Việt như đi lễ đầu năm, xin chữ ông đồ, cành mai vàng khoe sắc hay bánh chưng xanh đã truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống và tôn vinh sự gắn kết giữa gia đình, cộng đồng xã hội.
Với kinh nghiệm đi qua các đợt dịch bùng phát trước đó, trong những ngày này, các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ đã chủ động hơn trong hoạt động của mình.
NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho biết, chị và các nghệ sĩ của đơn vị hài lòng sau nhiều nỗ lực vừa khắc phục khó khăn do dịch bệnh, vừa đầu tư hiệu quả cho nghệ thuật. Tại thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất, các nghệ sĩ của Nhà hát đã đồng tâm hiệp lực tổ chức được chương trình biểu diễn online vui nhộn, tập trung cho chủ đề nghệ sĩ với Covid-19 và biểu diễn ngay tại nơi ở.
Không chỉ vậy, từ nay đến hết tháng Ba, những tín hiệu mừng từ các hoạt động văn hóa đặc sắc sẽ diễn ra tại các địa phương và phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 như Tuần lễ Áo dài 2021 nhân kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910-8/3/2021), chương trình “Mùa xuân nho nhỏ” tại Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, trưng bày trực tuyến hiện vật quý ở Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, 12 sự kiện Không gian văn hóa Việt Nam do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức.