Nhỏ Bình thường Lớn

Văn hóa Nhật: Cái gì đó dễ “say”

Giao lưu văn hóa bắt đầu ở con người và kết thúc cũng ở con người”, ông Inami Kazumi, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ.
Ông Inami Kazumi, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam.

Chính vì thế, trong những năm qua, “ngôi nhà Nhật Bản” ở 27 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã nỗ lực hết mình để đưa văn hóa Nhật từ nghệ thuật đến ngôn ngữ trở thành sức mạnh.

Từ những điều giản dị

Văn hóa Nhật Bản đi vào lòng người từ những cái vô cùng giản dị. Một cuốn truyện tranh xuất phát từ Nhật có tên manga), một nhánh hoa anh đào trong tuyết trắng hay hình ảnh núi Phú Sĩ hiên ngang giữa bốn bề sóng biển… Bạn Nguyễn Thị Nhung, cựu học viên tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản nói rằng nền văn hóa ấy có một chất gì đó khiến nhiều bạn trẻ dễ “say”.

Nhung chia sẻ rằng: “Tôi biết đến Nhật Bản lần đầu qua những trang manga, tuổi thơ tôi chìm đắm trong những cuốn truyện tranh mà đến nửa đêm còn thắp đèn trong chăn đọc vì sợ bố mẹ biết”. Lúc đó, Nhung chỉ thấy sao mà ngưỡng mộ, ghen tỵ với những nhân vật trong truyện vì họ có mơ ước và dám bỏ tất cả để theo đuổi ước mơ. Và rồi, Nhung đã lựa chọn Nhật Bản để hiểu về nó nhiều hơn và như một lẽ tự nhiên, hiện Nhung đang tham gia chương trình trao đổi sinh viên Việt Nam – Nhật Bản tại Nhật Bản.

Bên cạnh những ảnh hưởng thông qua truyền thông, văn hóa truyện, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản còn giới thiệu đến khán giả Việt Nam các loại hình nghệ thuật, điệu múa truyền thống của xứ sở hoa anh đào. Qua đây, ông Inami Kazumi mong muốn người Việt không chỉ hiểu về văn hóa Nhật mà còn có thể học hỏi được cách người Nhật gìn giữ, phát huy và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống như thế nào.

Với mục tiêu đó, cuối tháng 8 này, Trung tâm sẽ phối hợp với Nhà hát Múa Rối Việt Nam biểu diễn trích đoạn kịch rối mang tên Tháp canh đêm trong vở Tình yêu cháy bỏng của con gái người bán rau, một trích đoạn rất nổi tiếng trong câu chuyện từ thời Edo. Trích đoạn dài 20 phút và xoay quanh nhân vật chính là con rối, trên sâu khấu sẽ có năm người gồm ba người điều khiển, một người chơi đàn và một người kể chuyện.

Đây là lần đầu tiên kịch rối Nhật Bản được giới thiệu ở Việt Nam. Cùng với kịch Noh và Kabuki, kịch rối Nhật Bản là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ xưa bậc nhất của Nhật Bản. Kết hợp giữa nghệ thuật kể chuyện qua các con rối và âm nhạc, các vở kịch rối thường xoay quanh hai chủ đề chính: Những câu chuyện mang tính lịch sử về thời phong kiến (Jidaimono) và những câu chuyện đương đại kể về các xung đột nảy sinh do rào cản của xã hội (Sewamono). Thời gian tới đây, Trung tâm sẽ đẩy mạnh nhiều hơn nữa các buổi biểu diễn kịch rối trên phạm vi cả nước.

Hiệu ứng ngôn ngữ

Nói về tiếng Nhật, Nhung tâm sự: “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy tiếng Nhật là khi muốn hát bài hát mà tôi yêu thích – Dbsk. Tôi thấy chữ tiếng Nhật thật dễ thương, nhìn chúng cứ tròn tròn, đôi lúc như đang nhảy múa, bất giác, tôi mỉm cười dù chẳng hiểu gì”.

Có vẻ như chính sự “không hiểu gì” đó đã khiến Nhung và không ít bạn trẻ Việt tìm đến với tiếng Nhật. Hiện nay, theo như ông Inami Kazumi, tiếng Nhật đã trở thành một “hiệu ứng” ngôn ngữ phổ biến trong lòng giới trẻ Việt Nam.

Ông Inami Kazumi đưa ra một số lý do giải thích cho hiện tượng này. Thứ nhất, một phần các học viên theo học tiếng Nhật là do họ thích văn hóa Nhật Bản qua việc đọc truyện tranh hoặc xem phim hoạt hình. Thứ hai, có những người theo học tiếng Nhật vì họ coi tiếng Nhật như là một công cụ để xây dựng sự nghiệp, để đi du học Nhật Bản hay làm ở công ty Nhật, phiên dịch hoặc biên dịch tiếng Nhật. Thực tế là nhu cầu lao động biết tiếng Nhật ở Việt Nam đang ở mức rất cao.

Để đáp ứng lượng cầu “khủng”, từ năm 2003 đến năm 2013, hai chính phủ Nhật Bản và Việt Nam đã thực hiện cam kết phát triển tiếng Nhật từ các trường cấp 2 và cấp 3. Năm 2015, chính phủ hai nước sẽ đi thêm một bước tiến nữa là phát triển tiếng Nhật từ cấp tiểu học.

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản có nhiệm vụ soạn giáo trình, sách vở và đào tạo giáo viên. Ngoài ra, Trung tâm còn đang thực hiện hỗ trợ dạy tiếng Nhật ở một số thành phố lớn và tổ chức những cuộc hội thảo, nâng cao kỹ năng dạy tiếng Nhật cho các học viên.

Việt Nam đang hấp thụ rất mạnh nền văn hóa của các quốc gia khác. Tuy nhiên, theo Giám đốc Inami Kazumi, song song với tiếp nhận, người Việt Nam cần phải tìm ra một “giá trị Việt” để giao lưu với các giá trị đến từ các nền văn hóa khác. Sự gặp nhau của các “giá trị” cũng giống như người vợ và người chồng trong một gia đình, khi tương đồng, khi xung khắc nhưng nếu có ước muốn thấu hiểu nhau thì sẽ vượt qua được khó khăn và phát triển mối quan hệ bền vững.

Hằng Phạm