📞

Văn hóa sinh ra từ... ngôi mộ

19:06 | 04/08/2008
Chôn theo (tùy táng hay hậu táng) là đặc trưng điển hình nhất của văn hóa tang lễ Trung Quốc. Do có rất nhiều châu báu, vàng bạc bị chôn xuống đất, nên thường bị những kẻ tham lam để mắt tới, sinh ra cái gọi là văn hóa đào trộm mộ. Có thể nói, văn hóa đào trộm mộ và văn hóa tang lễ là nền văn hóa sinh đôi, bắt nguồn từ một gốc, đều là “văn hóa của người chết”...

Làn gió chôn theo trong lịch sử Trung Quốc được giới học thuật cho rằng bắt đầu từ thời kỳ Xuân Thu, thịnh hành vào thời Hán, Đường, đến Minh, Thanh lại lên một cao trào mới. Nguyên nhân tự nhiên là vào các thời kỳ này, nước giàu dân yên, tổng lượng của cải xã hội tăng lớn... tạo điều kiện vật chất cho tục chôn theo.

 

Tuy vậy, đối với một triều đại, rốt cuộc nên chôn theo bao nhiêu thì lại không có tiêu chuẩn cụ thể, không giống như xây dựng lăng mộ, dài bao nhiêu, rộng bao nhiêu, xây ở chỗ nào, theo phương hướng nào đều có “lý luận phong thủy” chỉ đạo. Về cơ bản, chôn theo bao nhiêu được quyết định bởi lượng của cải và địa vị khi còn sống của người chết. Lúc sống kiếm được nhiều thì sẽ chôn theo nhiều, khi sống quyền lực lớn thì sẽ được chôn cất hậu hĩnh, những điều này được thể hiện rất rõ trên con người mỗi vị đế vương.

 

Từ Hy, “Nữ hoàng thực tế” trong lịch sử Trung Quốc, nắm quyền lớn triều Đại Thanh trong nhiều năm, nổi tiếng là một phụ nữ xa xỉ. Lúc còn sống, bà rất thích các bảo vật như trân châu, mã não, ngọc quí, đồ ngọc, đồ vàng bạc, nên sau khi bà chết, những thứ đó đều được chôn theo với giá thị trường lên tới trăm triệu lạng bạc trắng. Khi toàn bộ vật châu báu đó đã được liệm xong, người ta mới phát hiện là trong quan tài vẫn còn có chỗ rỗng, thế là lại cho thêm vào 4 đấu trân châu và 2.200 viên ngọc quý các màu - trị giá 2,23 triệu lạng bạc trắng. Hay như Dụ lăng, lăng của Hoàng đế Càn Long cùng đời nhà Thanh với Từ Hy, các vật chôn theo cũng cực kỳ phong phú, xứng đáng với thời kỳ “Khang, Càn thịnh thế” (Khang Hy và Càn Long).

 

Từ sau Tần Thủy Hoàng, Trung Quốc có tới hơn 490 vị Hoàng đế lớn, nhỏ. Hiện nay chỉ còn chưa đến một phần ba số lăng mộ lưu lại của các vị Hoàng đế này có thể tìm được di chỉ. Nguyên nhân thứ nhất là một số Hoàng đế chết sớm, chưa kịp xây lăng mộ cho mình. Thứ hai là bị mưa gió tự nhiên phá hủy, tìm không thấy “lăng mộ” nữa. Hiện phần lớn phát hiện của khảo cổ học là phần lăng mộ này. Chẳng hạn như cuối năm 2006 phát hiện được lăng của Lục An vương đời Hán ở An Huy. Thứ ba là bị những kẻ đào trộm mộ và những người báo thù khai quật mất. Trong các lăng vua chúa mà mọi người có thể nhìn thấy hiện nay, số không bị đào trộm rất ít, như 19 lăng đời Đường, có tới 18 lăng bị đào trộm. Thứ tư là có một số vua chúa dứt khoát không để lại lăng, trong số đó Tào Tháo là người đầu tiên đề xướng “chôn cất gọn nhẹ” tới... 72 ngôi mộ giả. Thực tế, ông ta được chôn tại Cao lăng, còn gọi là Tây lăng, nhưng đến nay vẫn chưa thấy dấu vết. Các Vua nhà Nguyên cũng theo đạo này, coi trọng “chôn sâu không có mộ”. Nghe nói lăng mộ Thành Cát Tư Hãn sau khi xây dựng xong đã điều hàng vạn con tuấn mã đến dẫm bằng cây cỏ đất cát xung quanh, làm mất dấu lăng. Những vua chúa này có thể coi là “vua trong vua”, chết một cách thông minh.

 

Trong con mắt những kẻ đào trộm mộ, đào mộ đế vương là mạo hiểm nhất (vì nếu bị phát hiện, sẽ lâm vào cảnh chu di chín họ). Nói chung, đó là ngôi mộ được biết là chôn theo nhiều đồ châu báu nhất, mỗi một ngôi mộ là một kho châu báu. Lăng mộ vua chúa càng về đời trước, giá trị các vật bồi táng càng cao.

 

Có ba lăng mộ đế vương được cho là vật chôn theo phong phú nhất, đó là Tần lăng, Mậu lăng và Can lăng. Hai lăng mộ trước đã được nói tới trong thơ từ của Mao Trạch Đông là “Tần (Thủy) Hoàng” và “Hán (Vũ) đế”, Can lăng là lăng hợp táng giữa Võ Tắc Thiên, Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc và Đường Cao Tôn Lý Trị. Đến nay, đồ châu báu chôn theo trong ba lăng này vẫn là một bí mật và có sức hấp dẫn cực lớn với những kẻ đào trộm mộ. Nhưng không giống những lăng mộ “béo bở” như Túc lăng của Từ Hy, đã bị bọn Tôn Điện Anh đào trộm triệt để trong thời kỳ Dân quốc, ba lăng mộ này nói chung vẫn còn giữ được.

 

Dương Phương Anh(gt)