Sự tương tác kinh tế của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới dường như trở nên tiêu cực hơn do đại dịch Covid-19. (Nguồn: Getty) |
Bước vào năm 2021, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch, ít nhất là ở các quốc gia không chịu nhiều ảnh hưởng bởi các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.
Các chỉ số kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới đang mạnh lên, thất nghiệp hàng loạt không còn là mối lo ngại chính mà thay vào đó là nỗi sợ hãi lạm phát, và trong bối cảnh đó, hội nghị thượng đỉnh của các nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã được tổ chức trực tiếp.
Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu vẫn tồn tại một vấn đề cốt lõi: Sự tương tác kinh tế của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới dường như trở nên tiêu cực hơn do đại dịch Covid-19.
Trở ngại từ chi tiêu tiêu dùng
Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Jim O'Neill nói: “Năm 1990, khi tôi đến thăm Bắc Kinh lần đầu tiên, tôi đã rất hào hứng với tiềm năng kinh tế của Trung Quốc. Tôi rất ngạc nghiên khi đi dạo qua các khu chợ đường phố nhộn nhịp của thủ đô Bắc Kinh”.
Theo ông O'Neill, câu hỏi luôn tồn tại trong tâm trí ông suốt những năm 1990 là “Liệu đất nước này có thể trở thành một lực lượng lớn trong nền kinh tế thế giới hay không?”, một phần do các nhà kinh tế học vĩ mô quốc tế lo ngại về sự phụ thuộc ngày càng tăng của nền kinh tế thế giới vào tiêu dùng của Mỹ.
Vào thời điểm đó, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ mong muốn thúc đẩy nhu cầu nội địa ở các nước phát triển khác (cụ thể là Đức và Nhật Bản). Ông O'Neill cho rằng sau thành công tương đối của Trung Quốc trong việc xử lý cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Trung Quốc có thể được coi là “động cơ thay thế” mà mọi người đang tìm kiếm.
Tin liên quan |
Bốn tuyệt chiêu giúp kinh tế Trung Quốc 'né' đòn nhân khẩu học |
Tuy nhiên, mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng nội địa đặt ra một tình thế khó xử đối với mô hình phát triển của Trung Quốc. Hầu hết dữ liệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng của người Trung Quốc có lẽ chỉ ở mức dưới 40% trong GDP nói chung của cả nước.
Chi tiêu đầu tư và xuất khẩu là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc trong hầu hết 3 thập kỷ qua (và đặc biệt là những năm đầu). Tỷ lệ tiêu dùng trên GDP khiêm tốn của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với Mỹ, với tỷ lệ khoảng 70%.
Xét trên khía cạnh kinh tế toàn cầu, chi tiêu tiêu dùng của người dân Trung Quốc về mặt kỹ thuật chỉ bằng khoảng 1/3 chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ. Tuy nhiên, hiện có thêm một số điểm đáng chú ý.
Mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn ở mức tương đối thấp, nhưng nó đã tăng từ khoảng 1/6 so với chi tiêu tiêu dùng của Mỹ trong 20 năm qua.
Hơn nữa, mức tăng trưởng cận biên này có tác động mạnh mẽ hơn nhiều đến nền kinh tế toàn cầu so với những thay đổi trong tiêu dùng của Mỹ.
Và ảnh hưởng toàn cầu của người tiêu dùng Trung Quốc có tiềm năng tăng hơn nữa so với ảnh hưởng của người tiêu dùng Mỹ. Do đó, tất cả mọi người đều quan tâm đến nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc tiếp tục tăng.
Mặc dù không chắc chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc sẽ đạt 70% GDP, nhưng mức tăng lên 50% là một mục tiêu hoàn toàn hợp lý và đáng mơ ước cho cả Trung Quốc và thế giới.
Nếu GDP của Trung Quốc (tính theo USD hiện tại) tăng tương đương với Mỹ vào năm 2030, tỷ lệ tiêu dùng trên GDP ở mức 50% sẽ có nghĩa là chi tiêu của người tiêu dùng trên toàn cầu sẽ tăng thêm 4.000 tỷ USD.
Trong các cuộc thảo luận gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn tăng gấp đôi thu nhập hộ gia đình trong vòng 15 năm tới, điều này có nghĩa là GDP thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) sẽ tăng trung bình hàng năm khoảng 4,5%.
Với lực lượng lao động đang già đi của Trung Quốc, mục tiêu này thực tế hơn nhiều so với việc cố gắng đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số trong quá khứ và nó sẽ tương đồng với sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc ngang bằng với Mỹ.
Những thách thức "bủa vây"
Tuy nhiên, nếu tỷ lệ tiêu dùng trên GDP của Trung Quốc không tăng, mục tiêu đó khó có thể đạt được. Cũng như bất kỳ quốc gia nào khác, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ được thúc đẩy trong trung hạn bởi tốc độ tăng năng suất cũng như quy mô và thành phần lực lượng lao động của nước này. Do lực lượng lao động đã ngừng tăng lên nên tăng trưởng kinh tế sẽ phải đến từ việc tăng năng suất.
Ở đây, Trung Quốc phải giải quyết một mâu thuẫn lớn. Thông thường, các lĩnh vực năng suất cao nhất của một nền kinh tế là trong ngành sản xuất, chứ không phải dịch vụ; và chính trong sản xuất, việc tăng năng suất bổ sung là điều dễ dàng đạt được nhất.
Tuy nhiên, Trung Quốc phải đồng thời thúc đẩy vai trò của tiêu dùng cá nhân, điều này thường ngụ ý nhu cầu dịch vụ cao hơn. Việc đạt được đồng thời cả hai mục tiêu đó lại “nói dễ hơn làm”.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể vẫn chưa suy tính cặn kẽ về tình thế tiến thoái lưỡng nan này hoặc về cách nó có thể ảnh hưởng đến các thách thức quốc tế khác của Trung Quốc.
Tin liên quan |
Ngồi trên quả 'bom nổ chậm', vị trí siêu cường kinh tế của Trung Quốc có bị lung lay? |
Ngay cả trước đại dịch Covid-19, rõ ràng nền kinh tế Trung Quốc có quy mô lớn đến mức các nhà hoạch định chính sách của quốc gia này không thể phớt lờ những tác động toàn cầu trong quá trình đưa ra quyết định.
Các vấn đề khác nhau, từ tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc như Huawei cho đến việc các sinh viên Trung Quốc ở các trường đại học phương Tây, đã trở thành nguồn cơn gây căng thẳng.
Và dĩ nhiên, vẫn có những mối lo ngại toàn cầu về vấn đề nhân quyền và nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Cuối cùng, Trung Quốc sẽ cần phần còn lại của thế giới nếu quốc gia này muốn tăng cả tiêu thụ nội địa và năng suất. Cách tốt nhất Trung Quốc có thể cải thiện vị thế quốc tế của mình là thông qua chính sách ngoại giao mềm mỏng, tôn trọng ưu tiên và nguyện vọng của các nước khác, thay vì coi các quốc gia này như nguồn gốc của sự đối đầu.
Nếu không có sự thay đổi thái độ như vậy, Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập trong vòng 15 năm.
Kết quả là người dân của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - và phần còn lại của thế giới - phải đối mặt với tình hình tồi tệ hơn.