1. Xe không có điều hòa, không có quạt gió; xe có điều hòa thì “thở” ra duy nhất một thứ xăng dầu sặc sụa; ghế ngồi rách bươm xơ mướp, lòi cả đệm mút ra ngoài. Khi xe nổ máy hay tăng tốc, người nào ngồi ở phía sau xe sẽ có nguy cơ chết ngạt vì mù mịt khói đen xì phun ra từ ống xả. Nếu không thì mặt mũi cũng nhem nhuốc chẳng khác gì những anh thợ mỏ ở Quảng NinhTôi không miêu tả những chiếc xe chạy ở đồng rừng, cũng không miêu tả xe đò chạy về những huyện nghèo heo hút. Đó là thực tế của xe bus, mặc dù nhiều tuyến bus đã được thay xe cũ bằng loại xe hiện đại hơn nhưng số lượng xe cà khổ mà tôi nói ở trên vẫn còn không ít, các “cụ” xe đó vẫn ngày ngày nghễu nghện, bành trướng trên khắp các tuyến đường Hà Nội.
Tuyến bus (Ga Hà Nội - Bến xe Thường Tín) được mệnh danh là bà già vì sự ì ạch và xấu xí của nó. Nhiều xe rất tối, rất nặng mùi… điều hòa. Có xe màu ghi, hàng ghế thâm thấp chạy dọc từ đầu đến gần cuối xe, những ai cao trên 1m75 mà ngồi thì không khác gì ngồi xổm hay ngồi trên những chiếc ghế con con kê quanh mâm cơm ở quê. Thành ghế lại không có tay vịn, chỗ đứng thì chật hẹp; thế đứng vững chãi nhất là xoạc chân ra như chiếc com pa và gần như xuống tấn. Khi lái xe nhấn phanh thì cứ việc túm bất kỳ cái gì có thể túm được để mà giữ lấy thăng bằng.
Có xe có vẻ sáng sủa hơn nhưng ghế ngồi lại rách bươm, lượt bọc da màu ghi rách để lộ lượt bọc màu đỏ; lượt bọc màu đỏ cũng rách để lộ lớp vải xô chần như người ta vẫn chần chăn bông, lòi ra lớp vải xô cũng rách đó là nilon, nilon lại rách để lộ toàn…đệm mút và cả “xương” sắt của ghế. Ghế thấp, thành ghế lại cao, cái đứa một mét rưỡi bẻ đôi như tôi luôn tưởng tượng rằng mình đang ngồi giữa một cái hộp, người giữ hộp vẫn nhân từ không đậy nắp lại để tôi được thở.
Những xe 16 chỗ được gọi là xe “con cóc” vì “tầm vóc” khiêm tốn của nó (tất nhiên là nó phải nhỏ để chạy ở những con đường còn bé hơn cả đường làng). Mùa hè, thứ quạt phổ biến ở những xe này là quạt…Trời; cửa kính được mở toang hết, nắng theo gió, gió kéo bụi bặm và mùi xăng dầu dưới lòng đường lên. Lại những người cao trên 1m75 (nhất là khách ngoại quốc ) đứng trên những chiếc xe “con cóc” đó đều có chung một dáng đứng, không phải hình dấu hỏi mà là hình cán ô, hình chiếc ba toong của những cụ ông. Hành động đầu tiên của “những chiếc ba toong di động” khi xuống xe là với tay ra phía sau…đấm lưng giống như các cụ gìa vẫn đấm khi trái gió trở trời.
2. Với những người say xe (lẫn không say), mùi…điều hoà là một nỗi kinh hoàng, kinh hoàng hơn bất cứ mùi gì trên đời. (Lại cộng thêm việc phóng nhanh, phanh gấp nên người không say cũng thành say). Và chẳng phải ngẫu nhiên mà mọi người lại sử dụng danh từ để đặt, để gọi cái thứ mùi không giống mùi nào ấy.
Cậu sinh viên trường ĐH Công nghiệp tên Đặng Văn Quân thất thần nhớ lại lần đầu tiên đi xe bus: “Em đi được có 1 điểm thì phải nhảy xuống, cứ thế ôm bụng nôn mật xanh, mật vàng. Sợ hơn cả lúc… say rượu. Em đã thề là sẽ không bao giờ đặt chân lên xe bus nhưng điều kiện không cho phép nên vẫn phải hành xác trên xe bus mỗi ngày.”
Ngày đầu đi xe bus tôi cũng say lên say xuống, không khủng khiếp như cậu sinh viên kia nhưng đầu óc lúc nào cũng quay đơ; đến lớp không học được, về nhà chỉ có ngủ. Tôi phải chịu cảnh say xe bus suốt 2 tháng trời. Đến tận bây giờ, nhiều hôm đi xe bus vẫn bị mùi điều hoà làm cho nhức đầu. Tôi cũng không hiểu tại sao cùng một loại xe, cùng một tuyến xe mà mùi điều hoà của chúng lại khác nhau nhiều đến thế; có xe ngồi cả ngày không sao, có xe chỉ ngồi 10 phút đã chóng mặt nhức đầu.
Anh con trai đưa bố từ Hà Đông lên Viện mắt T.Ư khám, ông bố ngồi ghế rồi vẫn tự ái với thằng con của mình: “ Mày làm như tao chưa bao giờ ngồi ô tô. Tao đã từng ngồi một mạch từ đây vào tận Huế mà có làm sao đâu!...”. Xe chạy, sắc mặt ông bố xấu dần, đến ĐH Kiến trúc ông vội vàng kéo anh con trai lấy túi nilon.
Tôi mời nhóm bạn về nhà chơi. Lên đến xe bus họ bước vào ghế, ngần ngại nhìn và quyết định đứng đúng 50 phút đồng hồ. Xuống xe, cậu bạn tôi người Bắc Kạn chuyển sắc mặt từ vàng ệch sang tái mét “Em đi xe đò đồng rừng về tân Bắc Kạn cũng không say kinh khủng đến thế này”
Khi đi xe bus, 10 người thì có đến 8 người bị say, thế nhưng khi đã quen với mùi điều hoà, đã đi được xe bus rồi thì bạn có thể đi bất cứ đâu, ngồi bất cứ loại xe nào. Chỉ có điều bạn phải trải qua những ngày luyện chống say kinh hoàng trên xe bus. Cậu bé Quân cười rõ tươi :" Bây giờ em đi quen rồi nên giờ có ném em cả ngày trên xe cũng...vô tư".
3. Có những lúc đứng trên xe bus tôi ước ao: giá như được đồng hành cùng thầy trò Đônkihôtê trên chiến mã chứ không phải trên xe bus như thế này! Tôi không có trái tim khoẻ mạnh để chịu được những pha đua xe của tài xế. Nhiều lái xe chạy nhanh vì muộn giờ (hoặc là do tắc đường, hoặc do lỡ kề cà ở quán nước năm mười phút), nhiều lái xe chạy nhanh chỉ vì cái máu mê tốc độ.
Bình thường tôi đi từ bến xe Nước Ngầm đến bến xe Mỹ Đình phải mất cả tiếng đồng hồ nhưng có những hôm gặp phải lái xe “tổ lái” tôi chỉ mất 45 phút. Mọi người trên xe bám chặt ghế, người hết nghiêng sang trái lại đổ sang phải; giờ vắng khách, thế là lái xe cứ thế phóng nhanh, phanh gấp, phớt lờ trước sự có mặt của 7 hành khách.
Lần khác vào ngày hội Cổ Loa, mấy học sinh cấp II đi hội về, bước lên xe, vừa trả tiền xong thì có em không biết nên thò cổ ra ngoài cửa kính xe (đã mở tự bao giờ). Người lái xe liếc gương chiếu hậu, thấy đầu em liền phanh giật cục một cái rồi văng ra một câu chửi rất thiếu văn hoá...Mặt cậu bé tái mét, đần ra vì vừa sợ, vừa chưa kịp hiểu nguyên nhân; em cũng không còn tâm trí đâu mà nghĩ nữa, em chạy một mạch xuống đường. Tôi nghĩ hoặc là em không bao giờ dám đặt chân lên xe bus lần thứ hai, hoặc là em phải mất một thời gian dài mới đủ can đảm bước lên “không gian văn minh” đó.
Xe bus cũng là một nét văn minh của đô thị, là một trong những phương án khả thi để giảm lượng xe máy tham gia giao thông mỗi ngày nhưng với hiện trạng kinh hoàng đó không biết bao giờ mới có thể đưa xe bus lên làm phương tiện giao thông cho mọi người?Theo VieTimes