📞

Vấn nạn du lịch ở Venice

13:00 | 25/02/2017
Những người dân thành phố Venice đang nỗ lực thực hiện nhiều chiến dịch bảo tồn nhằm đưa Venice trở về với vẻ đẹp thuở xưa. 

Qua con mắt của người dân Venice, với lượng khách du lịch mỗi năm lên tới 30 triệu người, nguy cơ Venice sẽ mất đi vẻ đẹp nguyên sơ đang hiện lên rất rõ bởi mọi dịch vụ ở đây đều nhắm tới khách du lịch. 

Phức tạp và áp lực

Thành phố Venice là tập hợp của những hòn đảo nên diện tích khá nhỏ. Đường sá nhiều nơi chỉ như những con ngõ, lại thêm nhiều dòng kênh chằng chịt dọc ngang khắp thành phố. Bởi vậy, việc đáp ứng nhu cầu cho 30 triệu du khách mỗi năm chẳng khác gì như “đầu muốn vẽ tròn mà tay lại vẽ vuông”.

Một người dân Venice đang biểu tình yêu cầu hạn chế số lượng khách du lịch

“Phố xá trở nên đông đúc, chật chội trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10. Ngày nào cũng vậy. Mà có ai đi bộ được trên mặt nước đâu cơ chứ!”, bà Jane Da Mosto, Giám đốc điều hành chiến dịch We Are Here Venice nói. “Chúng tôi thấy mình như những sinh vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng trước sức ép từ chính đám đông du khách”.

Những người cùng quan điểm này cho rằng áp lực từ du lịch đang mang lại những thay đổi tiêu cực chứ không hẳn là lợi ích cho Venice.  Dường như, Venice của 20 năm trước đã biến mất. Có người còn ví von sự thay đổi ấy giống như sau cơn mê, khi tỉnh lại, nơi bạn đang ở bỗng trở nên kỳ lạ, mất đi vẻ thanh bình và thân thiện vốn có. Nhiều rạp hát đã đóng cửa, một trong những hiệu sách lớn nhất đã trở thành nơi bán quần áo cho du khách.

“Cuộc sống ở đây bây giờ trở nên quá phức tạp”, ông Giovanni di Giorgio, một người Venice cao tuổi cho biết. “Khi tôi còn nhỏ, Venice có rất nhiều cửa hàng đậm chất lịch sử và truyền thống. Ngày nay thì sao? Bạn hãy nhìn kìa, mặt hàng nào cũng được sản xuất hàng loạt, mục đích là kiếm lời từ khách du lịch. Bây giờ, nếu tôi bị đứt cúc áo muốn tìm thợ nào sửa cũng khó”, ông buồn bã. Đây cũng là nguyên do khiến rất nhiều người dân địa phương, đặc biệt là những người trẻ, phải chuyển đến một nơi khác để an cư lập nghiệp.

Chất lượng du khách đến Venice cũng là vấn đề. Nhiều khách du lịch, theo quan điểm của ông Giovanni di Giorgio, chỉ tràn vào thành phố trong vài giờ rồi bỏ đi, có khi chẳng mua nổi vài món đồ uống hay quà lưu niệm lặt vặt.

Thêm vào đó, tàu khách lại mới xuất hiện sau khi bị xóa sổ từ cách đây hai mươi năm với số lượng tăng gấp năm lần. UNESCO đã tuyên bố sẽ đưa Venice vào danh sách Di sản Thế giới có nguy cơ bị hủy hoại nếu thành phố này không có kế hoạch ngăn chặn mức tiếp cận của tàu khách.

Thành phố có quá nhiều dịch vụ cho thuê nhà ngắn ngày. Nhiều người muốn sinh sống tại đây nhưng không thể bởi quỹ nhà đang rất khan hiếm. Thêm nữa, để cạnh tranh với khách du lịch, người dân phải trả giá thuê nhà cao hơn. Tại những thành phố lớn như Berlin (Đức) hoặc Barcelona (Tây Ban Nha), các chủ cho thuê nhà kiểu này rất có thể bị kiện vì đẩy giá thuê lên, khiến cho quỹ nhà trở nên eo hẹp. Một số người Venice lo sợ thực trạng này sẽ còn tồi tệ thêm do chủ nhà có thể kiếm lời nhiều hơn mỗi tuần nếu cho khách du lịch thuê ngắn ngày thay vì cho thuê lâu dài. Do đó, mặc dù nhà đã có hợp đồng thuê lâu dài nhưng không sớm thì muộn chủ nhà cũng sẽ tìm cách đẩy người dân thuê ra và đón khách du lịch vào.

Cảnh sát đang nỗ lực kiểm soát đám đông du khách ở Quảng trường Thánh Mark.

Người Venice phản ứng

Tình trạng trên là lý do thúc đẩy sự ra đời của các nhóm như Generazione 90, Gruppo 25 Aprile, We Are Venice và Awakening. Họ đều hướng tới mục tiêu thay đổi những gì đang diễn ra ở Venice bằng cách vận động hành lang, phản đối, kêu gọi sự tham gia của truyền thông, kêu gọi bảo vệ môi trường…

Nhóm Generazione 90 đang yêu cầu hạn chế lượng khách du lịch tiếp cận Quảng trường Thánh Mark. Ngoài ra, sự chú ý của giới truyền thông quốc tế, đặc biệt là tờ Thời báo New York, đang từng bước gây áp lực lên chính quyền địa phương và quốc gia.

Nhóm Gruppo 25 Aprile nêu yêu sách đề nghị chính quyền ngừng việc biến khu dân cư thành nơi ở cho khách du lịch trong vòng hai năm, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn lượng khách du lịch tràn vào thành phố, tạo thêm việc làm cho người dân, phát triển ngành hàng hải và nghề thủ công truyền thống.

Chưa hết, người dân nơi đây còn yêu cầu phải xây thêm các hạ tầng thể thao, hay ít nhất cũng nên mở lại các rạp hát ngoài trời, tăng gấp đôi thời lượng mở cửa chợ Santa Marta Flea để đời sống nhân dân được phong phú hơn.

“Venice với chúng tôi vẫn là nơi tuyệt vời nhất. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để thành phố này sớm tươi đẹp và yên bình trở lại,” bà Jane Da Mosto khẳng định.

(theo CityLab)