📞

“Vàng ròng” miền Quan họ

18:45 | 15/01/2010
Mấy chục năm hát quan họ, thuộc hơn 200 bài với trên 300 làn điệu, nhưng đến bây giờ bà Tạ Thị Hình, 71 tuổi vẫn còn phải học vì có nhiều làn điệu khó như “la giằng”, đòi hỏi phải luyện rất công phu...
Bà Hình(thứ 2 từ trái) tiếp anh hai quan họ

Chúng tôi về thành phố Bắc Ninh vào một ngày cuối năm, không khí chộn rộn chuẩn bị cho ngày tết lan tỏa khắc nơi. Lớp học hát quan họ của nghệ nhân Tạ Thị Hình ở thôn Bồ Sơn, phường Võ Cường đông vui hơn từ khi Quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới và chuẩn bị cho các cuộc thi hát của phường, thành phố, Hội Lim…

 

-Vui lắm các chú ạ! Bà Hình vừa nói vừa cùng người em họ Tạ Thị Khánh tất bật dọn dẹp bàn ghế, trà nước đón các cháu thanh, thiếu niên và các cụ trong thôn.

 

Nhớ quan họ xưa

 

Trong niềm phấn khởi, bà Hình dốc bầu tâm sự: Năm 13 tuổi, tôi đã theo bạn đi hát “bọn” có khi vài ngày mới về. Hễ nghe hát ở đâu thì dù bận đến mấy cũng cố sắp xếp để đi, thậm chí bỏ cả việc nhà, say lắm! Hát quan họ ngày xưa có “lối chơi, ứng xử, canh hát” khác hẳn với bây giờ. Người quan họ gặp nhau là hát, có thể hát ở bất kì trên núi, đầu thôn… hát tới “tàn canh, đổ đĩa”, hát cho “tỏ mặt đôi ta”, đón bạn phải ra tận đầu thôn. Hát quan họ là nam, nữ hát đối nhau, trong đó có người hát chính, người hát phụ, người hát dẫn và người hát luồn. Khi vào cuộc, các liền anh, liền chị hát một cách tự do, thoải mái, vui thì hát nhanh, buồn thì hát chậm, hoặc dừng lại ngẫm ngợi. Từ bé, chúng tôi đã được các cụ luyện giọng cho thật “vang, rền, nền, nảy”, hát phải bằng cả tâm hồn mình.

 

Đặc biệt là cách ứng xử khi hát, các cụ dạy: Các con ra chùa hát xong, nếu mời bạn hát thì phải nói: “Nhất niên, nhất lệ, đầu Xuân năm mới, đương quan họ đi hội, chị em chúng em gặp đương quan họ đây, chúng em mời uống nước, xơi trầu cho chị em chúng em được học đòi đôi lối” (lối chơi là phải hát đối, có 7 bài). Nếu họ mời thì nói: “Chị hai, anh hai cho chúng em xơi trầu, miếng trầu nặng hơn chì, ăn rồi chị em chúng em biết lấy gì trả ơn. Dạ, chị em chúng em cả sữa, non măng, ăn trầu đã vậy, biết nói năng thế nào”. Trước khi đi, các cụ lại dặn: các con đem nón “thúng, quai thao” đi theo vừa để che nắng, mưa, vừa che miệng khi bảo nhau hát đối, che vào bụng khi hát cho duyên dáng. Trước khi ăn phải xin phép: “Chị em chúng em có chén rượu đào, mời Liền anh quan họ nâng chén, dựng đũa cho chúng em được vui lòng”. Đấy! ý tứ, tế nhị lắm.

 

Mấy chục năm hát quan họ, bà Hình đã thuộc hơn 200 bài với trên 300 làn điệu, nhưng đến bây giờ bà vẫn còn phải học vì có nhiều làn điệu khó như “la giằng”, đòi hỏi phải luyện rất công phu mới thể hiện được. Bà nhớ lại, có lần sang làng bạn chơi, thấy liền chị hát bài “hừ la” của cụ Khảm hay hơn làng mình, ngay hôm sau bà bỏ việc, cất công sang học bằng được. Hay nhiều lần bà phải đi bộ lên tận làng Diềm, cách hơn 10 km để học những bài “đối chỉnh”. Bà bảo, học được một bài quan họ cổ 5 cung, 10 cung không đơn giản; luyện hát quan họ thì không kể thời gian, nếu chỉ học thuộc 50 đến 150 bài hát đối cũng phải mất ít nhất 5 tháng, còn phải “vuốt ve, trau chuốt” cho thật “vang, rền, nền, nảy” và thể hiện được tâm hồn qua từng lời hát thì phải mất hằng năm.

 

Truyền “lửa” đam mê cho thế hệ sau

 

Niềm đam mê hát quan họ đã ngấm vào máu thịt và cũng từ đó bà đau đáu một nỗi niềm muốn truyền lại vốn quan họ cổ cho thế hệ sau. Bà tâm sự: “Tôi chỉ lo thất truyền vốn quan họ cổ vì bây giờ ảnh hưởng quá nhiều kinh tế thị trường. Các chú thấy đấy, nhiều nơi hát quan họ có nhạc đệm theo kiểu “xin tiền” trong các nhà hàng hoặc tiệc tùng làm cho lối hát bị biến dạng không thể hiện được chất dân ca đích thực của quan họ. Tôi đang cố gắng truyền niềm đam mê của mình cho thế hệ trẻ...”.

 

“Từ bé, chúng tôi đã được các cụ luyện giọng cho thật “vang, rền, nền, nảy”, hát phải bằng cả tâm hồn mình”

 

(Bà Tạ Thị Hình)

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, hơn 30 năm qua, bà Hình làm đội trưởng quan họ thôn và 18 năm dạy quan họ cho các trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang; đồng thời mở lớp dạy hát quan họ miễn phí cho các thế hệ trong làng. Ban đầu, bà phải lặn lội đến từng nhà, động viên mọi người đi học hát, người chưa biết thì học cho biết, người biết rồi thì luyện thêm cho giọng hát nhuần nhuyễn hơn. Bà bảo: “Sinh ra trên đất quan họ mà không biết hát quan họ thì có lỗi với các cụ lắm”.

 

Bà tự bỏ ra 27 triệu đồng xây phòng học tại nhà và mua quần áo cho học viên; đưa các cháu đi tham quan Hà Nội, vào Lăng viếng Bác… Vì thế, lớp học của bà ngày càng đông, không chỉ gồm các cháu thanh, thiếu niên mà cả những người cao tuổi trong thôn, có thời điểm lớp học lên đến hơn 70 người. Nhiều CLB văn nghệ người cao tuổi ở các nơi cũng tìm đến đón về dạy quan họ, khiến bà suốt ngày bận rộn. Bà dày công kèm từng người một, dạy từng thanh âm, phải tròn môi, uốn giọng thế nào mới đúng… Có lẽ nhờ thế mà năm nào lớp học của bà cũng có người tham gia hội thi hát quan họ toàn quốc và đoạt giải cao như Thu Trang (hai huy chương vàng, hai huy chương bạc), Nguyễn Thị Thành (một huy chương vàng, một huy chương bạc toàn quốc)…

 

Hơn nửa đời người gắn bó tâm huyết với quan họ, nhưng điều mà bà tâm đắc nhất không phải là những tấm bằng khen, những giải thưởng cao mà quan trọng hơn là bà đã truyền được “lửa” đam mê cho nhiều thế hệ ở làng. Ghi nhận những đóng góp của bà trong việc giữ gìn và phát huy vốn quan họ cổ, năm 1985, bà được Nhà nước công nhận danh hiệu Nghệ nhân quan họ và năm 2001 được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú. Bà đích thực là “vàng ròng” của miền quan họ hôm nay.

Hoàng Dĩnh