Vì thiếu nguyên liệu
Theo tính toán của Vasep, chỉ tính riêng công suất cấp đông của các nhà máy chế biến thủy sản hiện nay đã lên đến trên 1,5-1,7 triệu tấn, tương ứng 4,5-5,1 triệu tấn nguyên liệu thủy sản và vượt xa mức 3,2 triệu tấn tổng sản lượng nguyên liệu đủ tiêu chuẩn làm thực phẩm. Với quy hoạch phát triển thủy sản trong các năm tới, sản lượng khai thác hải sản sẽ khó vượt mức 2,1 triệu tấn/năm. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào nguồn nguyên liệu trong nước thì khó có thể đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản vượt qua 4 tỷ USD/năm. Trong khi đó mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào năm 2020 sẽ lên đến 7,5-8 tỉ USD.
Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là do tính tự phát trong đầu tư phát triển các nhà máy chế biến. Trong khi khả năng cung ứng nguyên liệu không có gì thay đổi, khả năng nuôi trồng có hạn, nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt và khai thác xa bờ kém hiệu quả, thì số nhà máy chế biến hải sản vẫn không ngừng tăng lên (tính đến hết năm 2007 là 450 cơ sở) đang tạo ra một sức ép khá lớn đối với khả năng tự cân đối nguồn nguyên liệu trong nước.
Do vậy, đại đa số các nhà máy chế biến thủy sản đều thiếu nguyên liệu, nhất là nguyên liệu khai thác từ biển, đặc biệt trong những thời điểm giáp vụ. Và từ tháng 9/2007 đến nay, hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản chỉ hoạt động cầm chừng, khoảng 40% công suất vì đói nguyên liệu. Viễn cảnh nguồn nguyên liệu năm 2008 cũng không khá hơn khi giá nguyên liệu tăng cao, nên để đáp ứng được các đơn hàng đã ký từ trước, nhiều DN buộc phải chọn giải pháp nhập khẩu nguyên liệu.
Trong lúc đó, nhiều ý kiến cho rằng các DN chế biến thủy sản đang “chở củi về rừng”, khi nguồn cung trong nước đang bị tồn đọng, người nuôi trồng đang khó khăn vì nguyên liệu không thể tiêu thụ hết. Thực tế, trừ cá tra và basa của Đồng bằng sông Cửu Long, nguyên liệu thủy sản của Việt Nam không hề dư thừa. Các DN miền Bắc và miền Trung vẫn đang thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu thủy sản để chế biến, vì hai nơi này dựa vào nguồn nguyên liệu đánh bắt là chủ yếu, mà nguyên liệu đánh bắt thì ngày càng giảm đi.
Hơn nữa, việc nhập nguyên liệu nào đều đã được Chính phủ cân nhắc để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người nuôi trồng. Giá nguyên liệu thế giới cũng theo thị trường, không rẻ hơn trong nước nên các DN chỉ nhập những nguyên liệu mà trong nước không có như cá minh thái, cá tuyết, cá hồi, tôm nước lạnh... hoặc có nhưng không đủ cung cấp để chế biến hàng xuất khẩu.
Vì không lo thừa
Hiện nhiều nhà máy chế biến thủy sản đã được trang bị dây chuyền chế biến hiện đại, trình độ kỹ thuật và công nghệ cao, có thể ngang tầm khu vực và thế giới, vì vậy ngành chế biến hoàn toàn có khả năng nhập khẩu nguyên liệu thô để chế biến và tái xuất các mặt hàng giá trị gia tăng phù hợp với thị trường quốc tế nhằm khai thác triệt để tiềm năng thiết bị máy móc, đồng thời tạo việc làm ổn định cho người dân. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay nên chăng là chất lượng của nguyên liệu nhập như thế nào? Chứ không phải nên nhập nguyên liệu hay không?
Hơn nữa, nhập khẩu nguyên liệu để gia công là sự phân công quốc tế nên nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để chế biến cũng là rất bình thường. Nhà nước khuyến khích việc nhập khẩu thủy sản nguyên liệu để phát huy thế mạnh của ngành chế biến thủy sản xuất khẩu, nhằm tạo thêm việc làm, tạo giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng kim ngạch xuất khẩu. Năm nay dự kiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản bằng nguồn nội lực sẽ đạt khoảng 4-4,5 tỷ USD, nếu muốn vượt lên 6 tỷ hoặc 7 tỷ USD thì không có con đường nào khác là phải nhập nguyên liệu để chế biến, việc này Trung Quốc, Thái Lan thậm chí Nhật và Mỹ... cũng đã làm.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Vasep cho rằng, nếu đón nhận được các dòng nguyên liệu thủy sản lớn, Việt Nam có cơ hội để trở thành một cường quốc về chế biến và XK thủy sản. Từ vị trí số 6 trên thế giới về xuất khẩu thủy sản hiện nay, nếu nhập khẩu được khoảng 1-2 tỷ USD nguyên liệu thủy sản mỗi năm, Việt Nam có thể vươn lên vị trí thứ 2, chỉ sau Trung Quốc.
Thùy Trang