Vật thể lạ không xác định bị máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ bắn rơi tại khu vực hồ Huron ngày 12/2. (Nguồn: AP) |
Cuối tuần vừa qua, nước Mỹ tiếp tục “dậy sóng” sau khi máy bay chiến đấu của nước này bắn rơi ba vật thể không xác định trong ba ngày liên tiếp.
Gần nhất, ngày 11/2, giới chức quân sự Mỹ đã đau đầu trước sự “thoắt ẩn thoắt hiện” của vật thể lạ trên bầu trời vùng Montana, trước khi đột ngột biến mất. Vật thể này tiếp tục xuất hiện vào ngày 12/2 tại Montana, Wisconsin và Michigan. Sau quá trình xác nhận sơ bộ, không quân Mỹ đã ra lệnh cho máy bay chiến đấu F-16 bắn hạ vật thể này ở trên hồ Huron. Hai vật thể còn lại lần lượt bị bắn hạ ở vùng Deadhorse, bang Alaska ngày 10/12 và vùng Yukon, Canada ngày 11/2.
Những sự kiện này đã đặt ra hai câu hỏi. Các vật thể bay đó thực chất là gì? Tại sao tín hiệu về chúng lại bất ngờ xuất hiện dày đặc trong thời gian gần đây?
Danh tính bí ẩn…
Khác với khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ ngày 4/2, giới Nhà Trắng và Lầu Năm góc không biết các vật thể đó là gì, mục đích của chúng hay ai đứng sau.
Đáng chú ý, quá trình xác định các vật thể này đang gặp không ít khó khăn. Theo người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby, quân đội nước này đang nỗ lực thu thập các mảnh vỡ từ ba vật thể nêu trên, song gặp không ít khó khăn. Các vật thể ở Alaska và Canada nằm ở địa hình xa xôi và khó tìm kiếm trong mùa Đông, trong khi vật thể ở Michigan nằm ở vùng nước sâu của hồ Huron.
Tương tự, cảnh sát Canada hôm 13/2 cho biết khu vực tìm kiếm trong Yukon rộng 3.000 km2 và các chuyên gia đang phân tích các mô hình gió ngày 12/2, thời điểm bắn hạ vật thể, để thu hẹp khu vực tìm kiếm. Tuy nhiên, theo người phát ngôn của Cảnh sát Hoàng gia Canada Sean Gillis, các mảnh vỡ có thể nằm ở “địa hình núi non hiểm trở với lớp băng tuyết rất cao” và không loại trừ khả năng không bao giờ được thu thập.
Do đó, ông Kirby cho biết vẫn chưa thể đưa ra “đánh giá chính xác”, mặc dù quan chức này nhưng không loại trừ khả năng chúng phục vụ mục đích do thám. người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ nêu rõ các vật thể này không thuộc người ngoài hành tinh, không gây ra “bất kỳ mối đe dọa trực tiếp tới những người dân trên mặt đất”, song đã bị bắn hạ “để bảo vệ an ninh, lợi ích của Mỹ và an toàn các chuyến bay”.
Về phần mình, Thiếu tướng Paul Prévost thuộc Lực lượng Vũ trang Canada, nhận định ba vật thể mới bị bắn hạ khác với khinh khí cầu mới đây. Ông cho biết cả ba vật thể có thể là thiết bị máy “nhẹ hơn không khí” và mô tả vật thể ở hồ Huron là “một khinh khí cầu đáng ngờ”.
Trong khi đó, một số báo Pháp ngày 14/2 dẫn tuyên bố của quan chức Mỹ cho biết các vật thể bay không xác định bị bắn hạ có kích thước nhỏ hơn khinh khí cầu “bay lạc” của Trung Quốc. Tờ Les Echos (Pháp) dẫn thông tin từ Nhà Trắng cho hay các vật thể này không có hệ thống lực đẩy hay điều khiển hướng bay.
… và nỗi lo của người Mỹ
Tuy nhiên, điều khiến người Mỹ suy nghĩ không kém là sự xuất hiện đột ngột với tần suất dày đặc của tín hiệu về các vật thể này trên radar.
Mặc dù vậy, câu hỏi này dường như có đáp án rõ ràng hơn. Sau sự cố khinh khí cầu Trung Quốc ngày 4/2, Bộ chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) đã tăng độ nhạy của hệ thống radar và qua đó, chủ động tìm kiếm các vật thể xâm nhập không phận Mỹ và Canada hơn trước. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melissa Dalton cho biết: “Chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng hơn không phận ở những độ cao này, bao gồm tăng cường độ nhạy của radar. Điều này có thể giải thích sự gia tăng đột ngột số lượng các vật thể chúng tôi phát hiện tuần qua”.
Điều này cũng đồng nghĩa thời gian qua, không loại trừ khả năng có nhiều vật thể bay không xác định đã xâm nhập nước Mỹ mà không bị NORAD theo dõi. Ông Luis Elizondo, sĩ quan tình báo Mỹ, người điều hành chương trình UFO của Lầu Năm Góc tới năm 2017, nhận định các đối thủ đang “sử dụng công nghệ cấp thấp để quấy rối nước Mỹ”. Một giả thuyết khác thậm chí còn cho rằng các đối thủ này đã gửi các vật thể bay trên để kiểm tra khả năng thu thập thông tin của tình báo Mỹ, phản ứng của quân đội xứ cờ hoa và Washington.
Mặc dù vậy, khi danh tính của các vật thể này vẫn còn là ẩn số, Nhà Trắng cùng Lầu Năm Góc sẽ chưa thể xác định mục tiêu thực sự của chúng. Điều duy nhất Washington có thể làm lúc này là tăng cường năng lực thăm dò của hệ thống radar phòng không, xác định tốt hơn các mối đe dọa tiềm ẩn và sẵn sàng phản ứng, tránh lặp lại sự cố tương tự, thậm chí là nghiêm trọng hơn trên bầu trời nước Mỹ.
| Mỹ-Canada bắn hạ vật thể không xác định Ngày 11/2 (giờ địa phương), Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, ông đã ra lệnh bắn hạ vật thể trên do xâm phạm không ... |
| Vụ bắn hạ các vật thể bay: Mỹ thấy không giống khinh khí cầu Trung Quốc, Canada nói còn cần biết nhiều điều Sau hai vụ bắn hạ vật thể bay ở Alaska và Canada, Nhà Trắng nói rằng, những vật thể này nhỏ hơn nhiều so với ... |
| Vụ xuất hiện các vật thể bay: Lầu Năm Góc cảnh giác, Mỹ nói gì về khả năng chúng đến từ ngoài Trái Đất? Lầu Năm Góc cho biết, vật thể không xác định bị máy bay chiến đấu F-16 bắn hạ vào chiều 12/2 (giờ địa phương) trên ... |
| Loạt vụ vật thể bay: Mỹ có thu hoạch quan trọng, bác bỏ yếu tố ngoài Trái đất, Canada lưu ý điểm mấu chốt Quân đội Mỹ thông báo đã tìm được các thiết bị điện tử quan trọng từ khinh khí cầu Trung Quốc bị Washington bắn hạ ... |
| Vụ các vật thể bay: Mỹ đưa ra nhận định 'khả dĩ nhất', không liên quan Trung Quốc? Nỗi nghi ngờ của Nhật Bản Mỹ cho rằng, 3 vật thể bay không xác định bị bắn hạ ở Bắc Mỹ những ngày qua có thể đang phục vụ mục ... |