Nhà thơ Hoàng Cầm bên dòng sông Đuống của miền Kinh Bắc. |
Vậy mà đã hơn 10 năm, tôi vẫn nhớ như in cái buổi tối nhà văn Kim Lân, nhà thơ Hoàng Cầm cùng một số anh em nhà văn, nhà thơ ở Hà Nội về thăm quê Hoàng Cầm ở thôn Lạc Thổ nằm kề bên sông Đuống. Ngày ấy chưa có cầu như bây giờ, từ tỉnh lỵ Bắc Ninh về mấy huyện phía nam vẫn phải đi phà qua sông Đuống, qua phà lên khỏi đê là thị trấn Hồ, rẽ phải là vào làng tranh Đông Hồ, rẽ trái là vào thôn Lạc Thổ.
Ngôi nhà cổ uy nghiêm nằm lọt giữa làng, trước thềm cây cối xum xuê. Cổng vào xây cuốn tò vò, phía trên đắp hình những con vật ta thường gặp trong tranh khắc dân gian khá công phu. Một sân gạch rộng, một bể nước mưa, hàng cau và cây hương trước nhà, những bức hoành phi câu đối tất cả như vẫn giữ được nếp xưa. Từ đó ta có thể hình dung cậu bé họ Bùi (Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt) tuổi thơ được sống trong một vùng văn hóa cổ, có ngôi nhà thờ tổ của một dòng họ có học. Một vùng đất văn vật mang nhiều truyền thống, được lịch sử xem là cái nôi của văn hóa người Việt. Đây chính là nguồn cảm hứng cho sáng tác sau này của nhà thơ. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Hoàng Cầm gia nhập quân đội, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Năm 1957 ông tham gia sáng lập Hội nhà văn Việt Nam.
Thấy ông Hoàng Cầm và bạn bè về chơi, buổi tối bà con dân làng kéo đến hỏi thăm, trò chuyện ngồi kín cả cái sân rộng trước nhà. Các liền anh liền chị quan họ hôm ấy trông thật đẹp, họ mặc bộ quần áo truyền thống khiến ta ngỡ ngàng tưởng như sắp bước vào đêm hội làng thủa nào. Trong ngôi nhà thờ tổ của họ Bùi, trước những khuôn mặt già trẻ trong làng, nhà văn Kim Lân rưng rưng hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp của một thời trai trẻ: “Lúc bấy giờ tóc tao, tóc mày còn xanh lắm, tao hơn mày một tuổi Cầm nhỉ. Tao Tân dậu, mày Nhâm tuất, mà những ngày đó không ai ngâm thơ hay bằng Hoàng Cầm, cả Hà Nội mê thơ Hoàng Cầm. Khắp vùng Kinh Bắc, nam phần, bắc phần sông Đuống đêm đêm người ta gọi nhau đi nghe Hoàng Cầm ngâm thơ. Tao không biết ngâm thơ, không biết hát nhưng lại được đạo diễn Trần Hoạt phân công đóng vai ông già say trong vở kịch Kiều Loan của mày. Và cũng về diễn tại quê mày cái thôn Lạc Thổ này, ấy thế mà cũng đã hơn 50 năm, tóc tao, tóc mày giờ đã bạc.”
Tôi nhìn ông Kim Lân, ông đang cảm khái nói những điều xúc động về bạn mình. Người mà một thời lại là tác giả của những truyện ngắn đồng quê in trên báo Thời Nay trước cách mạng. Ông đã viết trong đó những truyện ngắn rất hay về hội chim, hội vật, về phong tục của vùng đất quê mình. Rồi cách mạng bùng lên, rồi kháng chiến trường kỳ lại một vệt truyện ngắn của ông nổi bật lên trong lịch sử văn học hiện đại. Những đám trẻ háo hức ngước những đôi mắt long lanh nhìn hai ông già tóc trắng về thăm quê năm ấy giờ đây chắc đã trưởng thành. Và khi nhớ lại đêm ấy hẳn chúng sẽ vô cùng cảm động khi biết trong tuổi thơ của mình đã một lần được gặp tác giả “Làng”, “Ông cả Luốn gốc me”, “Vợ Nhặt”…Những truyện ngắn in dấu ấn một thời có sức sống lâu bền qua thời gian. Chợt ông Kim Lân đứng dậy tay cầm chén rượu xúc động: “Cầm ơi, hôm nay đông đủ bà con dân làng, anh em bè bạn. Tao đề nghị mày ngâm bài thơ “Bên kia sông Đuống” sau đó là bài “Lá diêu bông”, chỉ 2 bài thôi. Mà bài Lá diêu bông chỉ ngâm thôi nhá, hát không hay bằng ngâm đâu”. Và Hoàng Cầm với mái đầu bạc trắng từ từ đứng dậy. “Em ơi, buồn làm chi. Anh đưa em về bên kia sông Đuống. Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ…sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”…
Tôi nhìn vào những khuôn mặt đang để hồn mình chìm trong cảm xúc của nhà thơ, hẳn họ đang cùng tôi bồi hồi nghĩ về dòng sông quê nhà. Và dòng lịch sử cho đến bây giờ vẫn còn đang chảy mạnh mẽ trong tâm khảm của mỗi người. Lúc này, ông Kim Lân lặng lẽ đến ngồi ở một cái bàn nhỏ trong hiên nhà. Khi tôi đến bên, trầm ngâm một lát ông nói: Không khí đêm nay đầm ấm quá, xúc động quá, giá có thêm anh em ở hội văn nghệ Bắc Ninh về chơi thì vui biết chừng nào…Ngoài sân nghệ sỹ Lệ Thanh cùng tốp nữ ở đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh đang hát “Giã bạn”, tiếng hát nghe dùng dằng, da diết như con tằm rút ruột nhả tơ, đậm chất chữ tình của người Kinh Bắc,. “ Đêm năm canh a lính tình tang là tôi luống chịu ớ..ơ..ơ đôi ba người ơi giằng là hự ôi hừ…Đêm năm canh a lính tình tang là đem người ngọc…cả năm canh quan họ trở í ra i về…Đến í hẹn í ơ ..đến hẹn lại lên í ơ..”.
Vậy mà... Thời gian trôi đi nhanh quá. Tôi vẫn mường tượng dường như tất cả đang ở đâu đấy.
Hà Huy Hoàng