Trước đó, giới cầm quyền tại Venezuela từng khẳng định cuộc bầu cử sẽ diễn ra cuối tháng Tư và ông Maduro sẽ tham gia tranh cử, ngay cả khi không giành được sự ủng hộ của công chúng và đất nước của dầu mỏ chìm trong khủng hoảng kinh tế.
Trong các cuộc đối thoại tại Cộng hoà Dominica tuần qua, các đảng đối lập đã vận động để bầu cử được lùi lại cuối năm nay, nhằm tìm kiếm thêm ứng viên sau khi hai lãnh đạo đảng bị cấm tranh cử. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại giữa các phe tranh cử lại sụp đổ và Ủy ban bầu cử đã ấn định 22/4 là ngày bầu cử tiếp theo.
Vài phút sau khi ngày bầu cử được thông báo, ông Maduro đã bày tỏ sự vui mừng trong chiến dịch tranh cử tại công viên Caracas bằng một điệu nhảy và những cái ôm. Một cựu tài xế xe buýt 55 tuổi và từng là lãnh đạo công đoàn khẳng định: “Công chúng đã lựa chọn ông Nicolas Maduro là Tổng thống của đất nước nhiệm kỳ 2019 - 2025”.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Nguồn: Reuters) |
Đối thủ của ông Maduro, vốn là người sắp đặt hàng loạt cuộc biểu tình vào năm ngoái nhằm thúc đẩy bầu cử sớm, nhận định việc ông Maduro cầm quyền 6 năm nữa sẽ gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước. Phe đối lập cũng tố cáo Chính phủ đẩy nhanh cuộc bầu cử để ngăn cản các đối thủ mạnh của ông Maduro như chính trị gia đối lập Leopoldo Lopez và Henrique Capriles.
Trong khi đó, hàng loạt các quốc gia, trong đó có nước láng giềng Colombia, tuyên bố sẽ không công nhận cuộc bầu cử vì sử dụng không công bằng nguồn tài chính công và gạt các chính trị gia đối lập khỏi vòng tranh cử. Ngoài ra, nhiều người lại lo sợ sẽ có gian lận trong quá trình bỏ phiếu.
Đối với Mỹ, Washington đang tiến gần hơn với quyết định cấm vận dầu mỏ của Caracas. Ngày 7/2, Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết sẽ lệnh trừng phạt này sẽ đánh vào nền kinh tế vốn đã yếu ớt của Venezuela. Tuy nhiên, Chính phủ của ông Maduro khẳng định đã chuẩn bị để đối phó với lệnh cấm vận từ “đế quốc” Mỹ.