Các đại biểu chủ trì buổi Tọa đàm. (Ảnh: GT) |
Sáng 16/1, tại Hà Nội, đã diễn ra Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý IV và cả năm 2019 do VEPR tổ chức.
Tham dự Tọa đàm có Viện trưởng VEPR PGS. TS. Nguyễn Đức Thành; Kinh tế trưởng VEPR PGS.TS. Phạm Thế Anh; Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương TS. Võ Trí Thành; Chuyên gia Tài chính Ngân hàng TS. Cấn Văn Lực; Chuyên gia Kinh tế cao cấp Nguyễn Trí Hiếu cùng đông đảo doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và cơ quan báo chí truyền thông.
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS. Phạm Thế Anh nhận định, dù kinh tế thế giới tiếp tục chứng kiến một năm đầy khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 vẫn đạt 7,02%.
Theo số liệu của VEPR, GDP trong quý IV/2019 tăng 6,97% so với cùng kì năm trước. Đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng vẫn là hai khu vực công nghiệp và xây dựng (chiếm 50,4%) và khu vực dịch vụ (chiếm 45%). Khu vực nông, lâm và ngư nghiệp trong năm 2019 đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi từ thời tiết như hạn hán, nắng nóng kéo dài; dịch tả lợn châu Phi bùng phát và sự thu hẹp của thị trường xuất khẩu. Ngành khai khoáng tăng trưởng nhẹ sau ba năm liên tiếp sụt giảm (1,29%).
Năm 2019, chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) đã đánh dấu chuỗi 49 tháng mở rộng liên tiếp của khu vực sản xuất. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 2,8%.
Tính cả năm 2019, cả nước có tới 138,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,2%. Tổng số vốn đăng ký và số lao động đăng kí tăng lần lượt là 17,1% và 13,3%. Tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm, chỉ còn 72,4 nghìn doanh nghiệp.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm. (Nguồn: VEPR) |
VEPR cũng cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm 2019 tăng 11,8%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.856,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 33,9% GDP), tăng 10,2% so với năm trước. Tỷ lệ GNI/GDP ngày càng giảm, từ 98,6% (năm 2000) xuống còn 93% (năm 2018).
Cán cân thương mại thặng dư khoảng 9,9 tỷ USD trong năm 2019. Khu vực FDI xuất siêu 35,85 tỷ USD, khu vực trong nước nhập siêu 25,91 tỷ USD. Trong năm 2019 Mỹ trở thành thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam với 46,4 tỷ USD.
Tổng vốn FDI giải ngân đạt 20,4 tỷ USD trong năm 2019, chủ yếu là nhờ nguồn vốn đăng kí dồi dào từ những năm trước. Xét theo đối tác đầu tư, Hàn Quốc dẫn đầu trong năm 2019 với tổng số vốn đăng ký đạt 3,66 tỷ USD.
CPI trong tháng 12/2019 tăng mạnh đến 5,04% (yoy) và 1,4% (mom) do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Tính trong năm 2019, lạm phát bình quân tăng 2,79% (yoy) do điều chỉnh giá điện, giá nhiên liệu bất ổn và giá lương thực thực phẩm tăng cao.
Đưa ra một số lưu ý chính sách, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành nhận định, lạm phát năm 2019 dù được kiểm soát ở dưới ngưỡng 4% mà Quốc hội đề ra, tuy nhiên cũng tiềm ẩn không ít lo ngại cho năm 2020 do: Tết Nguyên đán sẽ đẩy nhu cầu tiêu dùng và sử dụng thực phẩm tăng cao; căng thẳng địa chính trị tại Iran ảnh hưởng đến giá dầu thô và nhiên liệu.
PGS. TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, trong năm 2019, Việt Nam trở thành một trong bảy đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ, cùng với lượng dự trữ ngoại hối tăng tới hơn 71 tỷ USD, Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và khách quan.
Thêm vào đó, lãi suất liên ngân hàng biến động mạnh trong năm 2019, theo chiều hướng giảm dần. Do đó, Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý minh bạch và cụ thể theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.
Cũng tại Tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ đạt 6,48% và kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2020.