📞

Vị Bộ trưởng phá bao vây cấm vận

15:24 | 25/04/2008
Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Ngoại giao là lĩnh vực ông Nguyễn Cơ Thạch công tác liên tục từ năm 1954 và có những đóng góp nổi bật. Nhân 10 năm ngày mất của ông (16/4/1998-16/4/2008), TG&VN xin trân trọng giới thiệu một số nét về những hoạt động ngoại giao đầy sóng gió nhưng rất vẻ vang này.

Những chặng đường đã qua

Ông Nguyễn Cơ Thạch khởi đầu sự nghiệp ngoại giao trên cương vị Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao năm 1954. Với tư cách nhà ngoại giao đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cương vị đầu tiên ông được giao là Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Ấn Độ năm 1956. Từ khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao năm 1960, ông trực tiếp tham gia và có nhiều đóng góp vào việc tham mưu, tổ chức thực hiện những chiến dịch ngoại giao lớn của đất nước. Đáng chú ý nhất là Hội nghị quốc tế Geneva về Lào (1961-1962) và quá trình đấu tranh chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là từ năm 1972 khi ông là Trưởng đoàn chuyên viên, Trợ lý của cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ trong cuộc đàm phán Paris kết thúc chiến tranh của Mỹ ở VN. Năm 1979, ông được phong làm Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao (hàm Bộ trưởng) trước khi được chính thức cử làm Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 1/1980.

Phá bao vây cấm vận

Trong cuốn Năm cố Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam ấn hành năm 2005, phần viết về cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã ghi ông là vị Bộ trưởng phá bao vây cấm vận. Đây không phải là tất cả những gì ông Thạch đã làm, nhưng là một sự tóm lược chính xác những đóng góp nổi bật và tiêu biểu nhất của ông trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao.

Thời điểm ông nhận trọng trách lãnh đạo Bộ Ngoại giao, đất nước đứng trước những khó khăn vô cùng to lớn, phần do hậu quả chiến tranh tàn khốc kéo dài, phần vì chủ trương nóng vội, duy ý chí của chúng ta trong quá trình xây dựng đất nước sau chiến tranh và đặc biệt là sự bao vây cấm vận của các thế lực thù địch bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, ông chủ trì tham mưu và tổ chức thực hiện tốt đường lối của Đại hội Đảng lần thứ V (1982) nhằm phá thế bao vây cấm vận, tạo điều kiện hòa bình ổn định để phát triển đất nước. Chính trong giai đoạn này, ông lãnh đạo ngành Ngoại giao chủ động triển khai hàng loạt sáng kiến ngoại giao, từng bước làm thất bại âm mưu bao vây, cô lập Việt Nam và cải thiện quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế. Đáng chú ý, ông cùng lãnh đạo Bộ chuẩn bị và trình Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết 13 ngày 20/8/1988 về “nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới” - một mốc quan trọng trong đường lối đối ngoại của Việt Nam. Nghị quyết nhấn mạnh chủ trương "thêm bạn bớt thù", đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Nghị quyết cũng chỉ ra những nhiệm vụ cấp bách của ngành Ngoại giao, trong đó quan trọng nhất là giải quyết vấn đề Campuchia, bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á, bình thường hoá quan hệ với Mỹ...

Những chiến dịch đấu tranh dồn dập, chủ động, mạnh mẽ của Ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Thạch trong giai đoạn này đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết dứt điểm vấn đề Campuchia (11/1991), bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (11/1991), cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á và gia nhập ASEAN (7/1995), Mỹ bỏ cấm vận (3/1994) và thiết lập quan hệ Ngoại giao với Việt Nam (8/1995).

Ngô Tiến