Trong tháng 2/2019, Mỹ đã đưa ra một cơ chế thực thi rộng hơn, bao gồm quyền áp thuế trở lại đối với bất kỳ loại sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đột biến.
Các quan chức Trung Quốc phản đối mạnh mẽ ý tưởng này vì lo lắng chính quyền Tổng thống Trump hay chính quyền tương lai có thể sử dụng điều khoản này bất cứ lúc nào để khởi động lại cọ sát thương mại. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn phát biểu “Bất kỳ cơ chế thực hiện nào cũng phải có hai chiều, công bằng và bình đẳng” và cho biết Trung Quốc có thể chấp nhận một thỏa thuận mang lại cho hai bên quyền bình đẳng về việc sử dụng các hành động thương mại với nhau sau khi đạt được thỏa thuận.
Đến nay Trung Quốc và Mỹ vẫn bất đồng về cơ chế thực thi. (Nguồn: Nationalinterest) |
Ông Vương Thụ Văn không nói đến một khía cạnh khác của cơ chế thực hiện đó là Chính quyền Trump muốn có quyền đơn phương áp thuế trở lại, trong khi đó Trung Quốc có xu hướng thiết lập một quá trình tham vấn song phương lâu dài để giải quyết sự mâu thuẫn của hai bên, đây chính vấn đề mấu chốt trong quá trình đàm phán thương mại Mỹ – Trung.
Do sự bất đồng về cơ chế thực thi, cũng như giới hạn chấp nhận đối với trợ cấp cho sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc, nên kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung lần tiếp theo để giải quyết căng thẳng vẫn chưa xác định được thời gian.
Người ta đồn đoán rằng, ông Tập và ông Trump sẽ gặp nhau vào ngày 27/3 để ký một thỏa thuận thương mại. Nhưng phát biểu với Fox Business Network mới đây, ông Larry Kudlow - Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Mỹ cho biết, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo này có khả năng sẽ được chuyển sang tháng Tư.
Trong một diễn biến khác, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương cho biết Mỹ - Trung đã đạt được sự đồng thuận trong nhiều vấn đề quan trọng và đã thảo luận về sự cần thiết của việc đảm bảo “quyền tự quyết” về chính sách tiền tệ của mỗi nước và tôn trọng cơ chế tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định.