Trong thế giới toàn cầu hoá, tác động của xung đột, biến đổi khí hậu tới các quyền con người, quyền công dân rất hiện hữu, Việt Nam - thành viên tích cực, trách nhiệm của HĐNQ LHQ đã khẳng định quyết tâm “đóng góp cho hòa bình, phát triển toàn cầu và bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự với tư cách khách mời chính của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại phiên Đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu”, ngày 16/1. (Nguồn: TTXVN) |
1. Thật tự hào khi, ngay trong những tháng đầu năm 2024, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ) - nơi tập trung các nhà lãnh đạo quốc gia cùng hàng trăm tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới tham dự, hai từ Việt Nam nhắc đến “không chỉ là một ngôi sao ở khu vực Đông Á mà còn đang trong quá trình chuyển đổi thành một quốc gia có ảnh hưởng kinh tế ở tầm thế giới”; là “điển hình tiêu biểu cho cải cách và phát triển, được quốc tế đánh giá là hình mẫu về phát triển kinh tế nhanh và bền vững”.
Vai trò, vị thế quốc tế, thành tựu, tầm nhìn và triển vọng phát triển của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của gần 40 năm đổi mới, nhất là sự quan tâm ngày càng cao đối với người nghèo, các nhóm dễ bị tổn thương, thể hiện cam kết mạnh mẽ để không bỏ lại ai phía sau.
Đặc biệt các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người khuyết tật theo Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) mà Việt Nam tham gia từ ngày 22/11/2007. Mỗi năm, Nhà nước đã chi khoảng 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ, giải quyết trợ cấp xã hội hằng tháng cho khoảng trên 1 triệu người khuyết tật.
Với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều sáng kiến nhằm dỡ bỏ các rào cản, mở ra nhiều cơ hội, bảo đảm sự tham gia hiệu quả của các nhóm dễ bị tổn thương trong khám phá, đổi mới và phát triển bền vững quốc gia.
Những thành tựu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt (trên 5%) là minh chứng cho hiệu quả của những quyết sách vĩ mô đúng đắn. Duy trì sự tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với cơ hội để Việt Nam tiếp tục bảo vệ và thúc đẩy tốt hơn các quyền con người, rõ nét nhất là tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm xuống còn 3%; chi tiêu an sinh xã hội được ưu tiên cao và duy trì ở mức gần 3% GDP trong nhiều năm.
Cùng với việc bảo đảm quyền con người trong nước, năm 2023, Việt Nam tiếp tục xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và quyền tiếp cận lương thực cho hàng triệu người ở các khu vực trên thế giới.
Từ một quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ biến đổi khí hậu, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động nâng cao khả năng thích ứng với sạt lở, hạn hán, thiên tai, đồng thời, triển khai sáng kiến mới về phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp, để vừa phù hợp với xu thế phát triển bền vững, vừa phát huy vai trò quan trọng của Việt Nam trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Khóa họp lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra từ ngày 26/2-5/4, xem xét 10 đề mục, thảo luận về các vấn đề như quyền của người khuyết tật, quyền trẻ em, chống hận thù tôn giáo, đối thoại với các báo cáo viên đặc biệt… |
Trải qua một năm đầy biến động với những tác động của kinh tế thế giới, các kết quả đạt được về tăng trưởng GDP đã giúp Việt Nam được đánh giá là hình mẫu mới khi vừa duy trì các động lực tăng trưởng cũ vừa chuyển hướng chiến lược sang các động lực tăng trưởng mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ ô tô, công nghệ bán dẫn và hệ sinh thái…
Liên tiếp trong những tháng đầu năm, những tin về xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu gạo và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam đang tiếp thêm đà làm ấm nóng nền kinh tế trước những biến động của nền kinh tế thế giới.
Đại diện Việt Nam phát biểu tại phiên khai mạc khoá họp 55 Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 26/2, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ: “Điều chúng tôi rút ra được trong nhiều năm qua đó là quyền con người của người dân có thể được đảm bảo tốt nhất khi có hòa bình, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó Nhà nước đặt người dân vào trung tâm trong mọi chính sách của mình để bảo đảm phát triển toàn diện và bền vững.
Điều này cũng đúng ở cấp độ toàn cầu nhằm thúc đẩy việc thụ hưởng mọi quyền con người cho tất cả mọi người.”. Đồng thời, đại diện Việt Nam cũng chia sẻ những nỗ lực gần đây của Việt Nam như thông qua Lộ trình hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030, thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP) trong đó có việc triển khai Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Việt Nam luôn coi trọng và triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ quyền con người, đồng thời chia sẻ thông tin về việc hoàn thành báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV. Việt Nam đã nộp báo cáo UPR chu kỳ 4, với gần 90% khuyến nghị được thực hiện đầy đủ, bao gồm cả thông tin chuyến thăm Việt Nam gần đây của Báo cáo viên đặc biệt về Quyền phát triển.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Phiên họp cấp cao Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ngày 26/2 tại Geneva, Thụy Sỹ. (Ảnh: Nhất Phong) |
2. Đã đến lúc tất cả công dân toàn cầu phải chung tay, cần những nỗ lực cấp thiết để bảo đảm quyền con người trước muôn vàn rủi ro hiện nay là một trong những thông điệp được các nhà lãnh đạo LHQ nhấn mạnh tại phiên họp cấp cao Khóa họp lần thứ 55 HĐNQ LHQ.
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Dennis Francis đã đặc biệt nhấn mạnh điều này khi nhắc đến thực trạng 75 năm sau khi Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền được thông qua, xung đột, tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cả mối đe dọa hiện hữu do mực nước biển dâng đã khiến 300 triệu người rất cần được giúp đỡ, hỗ trợ nhân đạo, trong đó có khoảng 114 triệu người là người tị nạn.
Đặc biệt là cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, với hơn 90% dân số của khu vực bị ảnh hưởng, đã phải di dời và hiện đang “đứng bên bờ vực của nạn đói và bị mắc kẹt trong vực sâu thảm họa sức khỏe cộng đồng”. Nỗi đau khổ của dân thường vô tội ở Gaza đã lên đến “đỉnh điểm không thể chịu đựng được”.
Để giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất, không chỉ ở Gaza mà còn ở Ukraine, Haiti, Yemen, Sudan…, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ nhấn mạnh: “Chúng ta không được làm các nạn nhân thất vọng - những nạn nhân của vi phạm nhân quyền… Chúng ta không bao giờ được phép thất bại”.
Phiên họp cấp cao Khóa họp lần thứ 55 HĐNQ LHQ tại Geneva. (Nguồn: Getty Images) |
Quyết tâm không thất bại trước các vấn đề vi phạm nhân quyền đang diễn ra trên toàn cầu cần có sự chung tay của tất cả các quốc gia và HĐNQ là một phần của tiến trình to lớn này.
Trong bối cảnh thế giới vẫn đang chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng diễn ra cùng một lúc, những vấn đề ưu tiên hàng đầu cần được tập trung đó là: (i) bảo đảm sự thụ hưởng đầy đủ các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, bao gồm quyền phát triển; (ii) bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; (iii) kêu gọi các quốc gia thực hiện sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy lòng bao dung, bao trùm, đoàn kết và tôn trọng sự đa dạng, đối thoại và hợp tác nhằm đảm bảo tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người như nêu tại Nghị quyết 52/19 do Việt Nam chủ trì đề xuất kêu gọi các quốc gia thúc đẩy tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, khoan dung, bao trùm, thống nhất và trân trọng sự khác biệt, đối thoại, hợp tác và đoàn kết quốc tế trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Với tư cách là thành viên HĐNQ LHQ và là nước bảo trợ chính cho Nghị quyết nói trên, đại diện Việt Nam khẳng định đã và sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các quốc gia thành viên để thúc đẩy nhiệm vụ đó. Cuối năm nay, Việt Nam cùng với Bangladesh và Philippines sẽ trình dự thảo nghị quyết thường niên về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Kỳ họp thứ 56.
Đẩy mạnh đối thoại, tìm kiếm giải pháp chung toàn diện, đáp ứng lợi ích của các nước đang phát triển trong vấn đề biển đổi khí hậu, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, hỗ trợ nhân đạo cho người dân trong xung đột, xử lý nguyên nhân gốc rễ của tình trạng phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và các hệ quả của chủ nghĩa thực dân là những vấn đề đương đại cần có có sự chung ý chí, chung lợi ích và chung tay của tất cả các quốc gia.
| Giá trị thời đại của Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới Bình đẳng, không phân biệt đối xử đã trở thành nguyên tắc xuyên suốt, kim chỉ nam cho toàn bộ các quy định của Tuyên ... |
| Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gặp Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk Chiều 26/2 (giờ Thụy Sỹ), tiếp tục chương trình tham dự Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ), ... |
| Hoạt động của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Phiên họp cấp cao Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Điểm lại các hoạt động của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Phiên họp cấp cao Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền ... |
| Việt Nam phát biểu thay mặt Nhóm nòng cốt Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền Biến đổi khí hậu ngày càng gây khó khăn cho việc sản xuất và tiếp cận lương thực, đặc biệt là ở những khu vực ... |
| Việt Nam nhấn mạnh hòa bình và ổn định là điều kiện tiên quyết để tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh hòa bình và ổn định ... |