Toàn cầu hóa đang đứng trước nhiều ngã rẽ. Tuy nhiên, những thách thức chúng ta đang đối mặt phần nào đã được dự báo từ trước, từ việc số hóa nền kinh tế đến sự gia tăng các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Manila (Philippines), ngày 28/4/2017. (Nguồn: AFP) |
50 năm dưới một mái nhà
Những dấu hiệu tăng trưởng của khu vực, sau nhiều năm dài kinh tế phục hồi chậm chạp, vẫn còn yếu và chưa bền vững. ASEAN cần có những định hướng chiến lược đúng đắn để đạt được mục tiêu Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025. Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách của khu vực phải có tầm nhìn xa, nhạy bén và linh hoạt.
Nhìn lại thời điểm Tuyên bố Bangkok được công bố - đánh dấu việc thành lập ASEAN vào năm 1967, khu vực đã có những bước tiến khá xa. ASEAN đã phát triển và mở rộng từ một Hiệp hội với năm quốc gia thành viên ban đầu thành một cộng đồng gồm mười thành viên, hướng tới mục tiêu đoàn kết tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á.
Vượt qua những thách thức trong tiến trình phát triển suốt 50 năm qua, trải qua quá trình xây dựng cộng đồng kéo dài hàng thập kỷ, ASEAN, về căn bản, đã hình thành một chương trình nghị sự và trở thành một trong những tổ chức khu vực thành công nhất. Hiện ASEAN là khu vực có nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới với GDP toàn khối xấp xỉ 2.600 tỷ USD. ASEAN hiện cũng là thị trường lớn thư tư thế giới và là điểm đến được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn.
Trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ người dân có thu nhập dưới mức nghèo đói ở khu vực đã giảm một nửa, hòa bình và an ninh được giữ vững. Lực lượng dân số trẻ ASEAN với hơn một nửa dưới 30 tuổi sẽ tiếp tục là động lực cho những bước phát triển tích cực của khu vực.
Tuy nhiên, những thách thức trước mắt của ASEAN trong quá trình tiếp tục xây dựng và hội nhập cộng đồng không hề nhỏ. Một số nước thành viên ASEAN phát triển hơn bắt đầu đối diện với những tác động của quá trình già hóa dân số, trong khi một số nước khác đang phải nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Các nguy cơ phi truyền thống như di cư không kiểm soát, chủ nghĩa cực đoan và tội phạm xuyên biên giới ngày càng rõ nét. Các nền kinh tế ngày càng trở nên gắn kết hơn, các vấn đề nảy sinh cũng mang tính toàn cầu hơn.
Có ít nhất hai bài học được rút ra cho Chương trình nghị sự về hội nhập kinh tế khu vực của ASEAN. Thứ nhất, hội nhập khu vực không phải là “thuốc chữa bách bệnh” và cũng không phải là nguyên nhân gây ra các vấn đề tại mỗi quốc gia. Thứ hai, để liên kết khu vực trở nên bền vững, cần có sự hội nhập toàn diện và mang lại những lợi ích thiết thực cho tất cả thành viên. Để làm được điều đó, các bên cần cùng nhau tích cực tham gia, đóng góp vào việc xây dựng và thực hiện chương trình nghị sự chung.
Trong suốt chặng đường 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã đạt được những thành tựu đáng tự hào được cả thế giới ghi nhận. Mặc dù vậy, con đường phía trước vẫn còn rất nhiều chông gai với những thách thức như duy trì vai trò trung tâm và đảm bảo an ninh khu vực trước các cú sốc từ bên ngoài; tái cân bằng sức mạnh, chuyển đổi các cam kết thành các khung pháp lý và chính sách quốc gia; đảm bảo tuân thủ và thực thi; tạo dựng bản sắc chung trong Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN; cũng như phối hợp giải quyết các vấn đề chung.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hướng tới AEC 2025
Việc chính thức tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, cũng như ba kế hoạch cộng đồng tương ứng là minh chứng rõ ràng cho cam kết quyết tâm thực hiện tiến trình hội nhập.
Bốn quan điểm nổi bật trong tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN hướng tới AEC 2025 thể hiện sự sẵn sàng của ASEAN trước những vấn đề phát triển hiện tại. Thứ nhất là tập trung vào con người với tầm nhìn rộng hơn và dựa trên những quy tắc sẵn có của khu vực, hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm. Thứ hai là cách tiếp cận hướng tới tương lai, tăng cường sự năng động trong bối cảnh hội nhập khu vực đã được thiết lập và phù hợp với mục tiêu hội nhập khu vực bền vững. Thứ ba là công nhận một cách tiếp cận toàn diện để thúc đẩy hội nhập thông qua phối hợp xây dựng các trụ cột và phối hợp liên ngành.
Điểm thứ tư của kế hoạch AEC 2025 là hướng đến một ASEAN có sức bật mạnh mẽ, phát triển toàn diện và lấy con người làm trung tâm. Kế hoạch này sẽ bao gồm năm lĩnh vực hợp tác: tăng cường vai trò các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs); tăng cường vai trò của khu vực tư nhân; mô hình hợp tác công - tư; thu hẹp khoảng cách phát triển; khuyến khích các bên liên quan đóng góp vào nỗ lực hội nhập khu vực.
Kế hoạch nói trên cho thấy, ASEAN coi năng lực sáng tạo là nguồn lợi thế cạnh tranh lâu dài, các chính phủ cần nêu cao vai trò chủ đạo trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi để đổi mới sáng tạo, ứng dụng và đổi mới các công nghệ hiện có, khuyến khích thương mại hóa công nghệ. Đổi mới không phải là lĩnh vực độc quyền của các doanh nghiệp và công ty lớn, đa quốc gia mà cần khuyến khích sự tham gia của mọi thành phần kinh tế và tạo ra những giá trị mới.
ASEAN cũng quan tâm nắm bắt và thừa nhận tầm quan trọng của xu thế số hoá nền kinh tế, sẵn sàng tham gia, tạo thuận lợi cho thương mại điện tử. Tỷ lệ tham gia thương mại điện tử của khu vực đã tăng nhanh chóng, với sự nổi lên của các nền tảng thương mại điện tử và sự tham gia của các MSMEs. Hiệp hội cũng đã thành lập Uỷ ban Điều phối ASEAN về thương mại điện tử và hoàn thiện Chương trình làm việc về thương mại điện tử trong năm nay.
Theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế không thể đánh đổi bằng phát triển bền vững. Trong quá trình phát triển Tầm nhìn Cộng đồng 2025 và giai đoạn đầu của quá trình thực hiện, ASEAN đã tập trung vào việc đảm bảo tính cập nhật giữa Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển Bền vững và các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN. Do đó, kế hoạch xây dựng AEC 2025 bao gồm mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, tập trung vào an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nguồn năng lượng bền vững thông qua việc mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo.
Cuối cùng, kế hoạch xây dựng AEC 2025 cũng đã cân nhắc đến các xu thế toàn cầu có ảnh hưởng sâu sắc đến xu hướng kinh doanh, các nền kinh tế, các ngành công nghiệp, xã hội và cá nhân. Cộng đồng ASEAN nhận thức rằng, trong những thập kỷ tới, khi khu vực hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, ASEAN sẽ chịu ảnh hưởng bởi những xu thế lớn. Do đó, ASEAN cần nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của khu vực, để tận dụng những cơ hội trước mắt và chuẩn bị để giải quyết tốt những thách thức liên quan.
ASEAN có tiềm năng lớn để trở thành một nhân tố có ảnh hưởng hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Khi xu hướng bài toàn cầu hóa và tự do thương mại đang trỗi dậy, ASEAN lại được xem như là biểu tượng của chủ nghĩa khu vực mở. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ASEAN khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2011 sẽ là một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới, bao gồm gần một nửa dân số thế giới và hơn 1/3 thương mại toàn cầu. Sau RCEP, ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia vào nền kinh tế toàn cầu với các đối tác thương mại tự do.
Hiện nay, ASEAN đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Hong Kong, đồng thời nghiên cứu các khả năng thiết lập quan hệ thương mại tương tự với Liên minh Kinh tế Á - Âu và Canada. ASEAN vẫn ủng hộ mạnh mẽ hệ thống thương mại đa biên, thừa nhận tầm quan trọng của hệ thống thương mại minh bạch, không phân biệt, dựa trên luật pháp nhằm tạo điều kiện cho việc phát triển chuỗi giá trị toàn cầu. ASEAN sẽ tiếp tục nắm bắt xu thế toàn cầu hóa, thương mại tự do và chủ nghĩa khu vực mở và ASEAN vẫn cam kết hội nhập khu vực theo hướng lấy nhân tố con người là trung tâm của sự phát triển bền vững.
Lê Lương Minh
Tổng Thư ký ASEAN