Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là cơ sở điện hạt nhân của Ukraine và lớn nhất châu Âu, hiện do Nga kiểm soát. (Nguồn: Depositphotos) |
Động thái được đưa ra sau khi đập Kakhovka trên sông Dnieper - vốn là nơi cung cấp nước làm mát cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP), cơ sở điện hạt nhân của Ukraine và lớn nhất châu Âu - bị vỡ hôm 6/6.
Vụ việc đã gây ngập lụt trên khắp khu vực chiến sự, song cả Ukraine và Nga đều đổ lỗi cho nhau gây ra sự cố này.
Theo IAEA, ZNPP do Nga kiểm soát ở miền Nam Ukraine có đủ nước để làm mát các lò phản ứng tại đây trong “vài tháng” từ một ao nước nằm phía trên hồ chứa Kakhovka. IAEA kêu gọi các bên bảo vệ ao nước trên.
Đại diện thường trực Vương quốc Anh tại IAEA Corinne Kitsell bày tỏ hoan nghênh nỗ lực của các nhân viên IAEA ở Ukraine và "hài lòng rằng khoản viện trợ bổ sung của London sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công việc quan trọng của cơ quan này, đặc biệt là trước rủi ro ngày càng lớn từ vụ phá hủy đập Kakhovka”.
London cho biết, đã cung cấp tổng cộng 5 triệu Bảng Anh (hơn 6,2 triệu USD) để hỗ trợ IAEA ở Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia Đông Âu này hồi tháng 2/2022.
Cùng ngày, phát biểu trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho rằng, London chưa thể khẳng định Moscow phải chịu trách nhiệm về vụ phá hủy đập Kakhovka trên tiền tuyến giữa các lực lượng Nga và Ukraine.
Khi được hỏi liệu Nga có phải chịu trách nhiệm hay không, ông Sunak trả lời: “Các cơ quan an ninh và quân sự của chúng tôi đang giải quyết vấn đề này… Nhưng nếu vụ việc này được chứng minh là có chủ đích, thì đó sẽ là diễn biến tồi tệ mới”.