📞

Vì một Hà Nội 'số hóa'

Xuân Sơn 08:00 | 03/10/2023
Baoquocte.vn. Đứng trước thực tiễn chuyển đổi số tất yếu của thế giới, Việt Nam đang không ngừng nỗ lực để bắt kịp với xu thế toàn cầu và Hà Nội được xác định là lá cờ đầu trong hành trình đó.
Là trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa của Việt Nam, Hà Nội có trọng trách lớn lao trong công cuộc dẫn dắt đất nước thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số. (Nguồn: Thành đoàn Hà Nội)

Trong bối cảnh Internet, máy tính và điện thoại thông minh ngày càng phổ biến, người dân toàn cầu đang cùng một lúc sống trên hai thế giới, thế giới thực và thế giới số. Chính xu thế này đặt ra nhu cầu tất yếu phải thực hiện chuyển đổi số dành cho các quốc gia và địa phương trong nước. Thông qua chuyển đổi số, phương thức sản xuất và mô hình tổ chức đời sống sẽ dựa trên nền tảng là các công nghệ số.

Trên thế giới, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015. Đối với Việt Nam, vấn đề này tạo nên làn sóng thảo luận lớn từ năm 2018 và bắt đầu mở khóa cánh cửa mới về chuyển đổi số dành cho nước ta.

Với tầm nhìn đưa Việt Nam tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, Hà Nội được xác định là một trong những mũi nhọn trong chặng đường này và Thủ đô hiện đang phấn đấu để trở thành lá cờ đầu dẫn dắt các tỉnh, thành, địa phương khác thực hiện thành công chuyển đổi số.

Từ cơ sở tiềm lực…

Tiến sĩ Đặng Đức Mai, Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa bàn thu hút nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn, là khu vực hội tụ những nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thông tin. Với hạ tầng viễn thông, mạng lưới internet và mạng di động phủ rộng trên toàn Thành phố, doanh nghiệp và người dân Hà Nội có thể dễ dàng truy cập vào các dịch vụ, ứng dụng kỹ thuật số.

Sở dĩ Hà Nội được gọi là “cái nôi” của đổi mới sáng tạo là bởi ngày càng nhiều hệ sinh thái công nghệ số gồm các trung tâm, viện nghiên cứu, vườn ươm về đổi mới sáng tạo với nguồn nhân lực cao đặt trụ sở tại Thủ đô. Do đó, Thành phố xếp hạng cao nhất trong cả nước về tiềm lực thiết kế và triển khai các công nghệ số. Đây được xem là những tiền đề vô cùng thuận lợi để Hà Nội thực hiện chuyển đổi số.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính nhận định rằng, Hà Nội có một đội ngũ các nhà khoa học, trí thức và hệ thống giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đông đảo nhất cả nước. Trong khoảng hơn hai chục năm trở lại đây, Hà Nội thực sự mở rộng cửa mời đón các chuyên gia, nhà khoa học tham gia giải quyết những vấn đề quan trọng.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh từng phát biểu rằng: "Từ chủ tịch thành phố đến chủ tịch quận, huyện, giám đốc sở phải nhận thức được đây là việc sống còn, chuyển đổi số hay là chết, thì lúc đó mới làm được". (Nguồn: Báo Dân trí)

… tới chủ trương quyết liệt

Nhận thức được vai trò và lợi thế của Thủ đô trong hành trình chuyển đổi số quốc gia, ngày 15/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm “thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế gắn với dịch chuyển cơ cấu lao động”.

Để đạt được mục tiêu của trên, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm 5 địa phương và đến năm 2030 sẽ thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng. Đồng thời, Hà Nội phấn đấu nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Lực lượng công an xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội, tiếp nhận và hoàn thành thủ tục cho người dân đến đăng ký làm căn cước công dân gắn chíp. (Nguồn: TTXVN)

Những trái ngọt đầu tiên

Việc ban hành Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội đã khuyến khích sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, góp phần đổi mới tư duy, hành động của tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị của thành phố và cùng triển khai nhiệm vụ một cách đồng bộ, theo lộ trình chung. Trong vòng 6 tháng đầu năm 2023, Thủ đô đã ghi nhận được nhiều tiến bộ và thành tựu ấn tượng.

Thứ nhất, Hà Nội là một trong các tỉnh/thành phố đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Thứ hai, các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến chuyển đổi số năm 2022 được nâng cao, trong đó có chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 24/63 tỉnh/thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2021.

Thứ ba, bên cạnh việc ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ cụ thể, UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo hoàn thành các hệ thống lớn trong thời gian ngắn: hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thông tin giải quyết TTHC.

Chuyển đổi số trong giáo dục là một trong những trọng tâm trong chương trình chuyển đổi số của Hà Nội. Ảnh: Trường trung học phổ thông Việt Đức, quận Hoàn Kiếm tổ chức lễ khai giảng năm học 2021-2022 dưới hình thức trực tuyến. (Nguồn: TTXVN)

Thời gian gấp rút

Theo quan điểm của Tiến sĩ Đặng Đức Mai, thời gian không còn nhiều để Thủ đô đạt được các mục tiêu năm 2025, do đó Hà Nội cần tập trung nguồn lực để đẩy nhanh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra.

Đầu tiên, chúng ta cần xác định năm 2023 là năm cơ bản chạy đà, khởi động các dự án, nhiệm vụ chưa được khởi công, đảm bảo các dự án cán đích thành công vào năm 2025. Tiếp đó các nhiệm vụ, dự án sẽ tiếp tục được hoàn thiện nâng cấp đáp ứng các mục tiêu giai đoạn đến 2030.

Thứ hai, việc xây dựng phương án cân đối, bố trí nguồn kinh phí cho thực hiện chuyển đổi số cần được nghiên cứu, xây dựng, phê duyệt theo từng lộ trình cụ thể. Trong đó, cần nghiên cứu các phương án kết hợp giữa nguồn kinh phí từ Trung ương với nguồn kinh phí từ ngân sách Thủ đô.

Tiếp theo, Thủ đô cần chú trọng đào tạo, xây dựng, thu hút được đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin có chất lượng tốt vào làm việc trong các đơn vị, cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Hà Nội.

Cuối cùng, Hà Nội nên khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn và các nhà đầu tư khác tham gia vào dự án lớn của Thành phố. Những công ty này có thể đưa ra các giải pháp công nghệ thông minh, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu để giúp giải quyết các vấn đề thực tiễn của thành phố.

Như vậy, Hà Nội không chỉ là trung tâm thu hút nhiều cơ sở đào tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo, mà còn sở hữu hạ tầng viễn thông chất lượng cao. Với tiền đề trên, Hà Nội nhận được sự quan tâm lớn từ Trung ương khi nhận được chỉ thị thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW. Đây chính là động lực to lớn để Thủ đô mạnh dạn xây dựng Nghị quyết số 18-NQ/TU nhằm tiến tới tầm nhìn về một thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các cấp chính quyền, Hà Nội đã gặt hái nhiều thành tựu ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, Thủ đô đã lọt vào danh sách các địa phương đáp ứng nhiều tiêu chí và nhiệm vụ chuyển đổi số. Song hành với những dấu mốc nổi bật, Hà Nội còn nhiều nhiệm vụ phải làm nhằm hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra, liên quan tới vấn đề xây dựng lộ trình, cân đối kinh phí, đào tạo nhân lực và thu hút đầu tư.