Hội thảo là hợp phần cuối cùng của dự án “Sáng tạo vì một thế giới không rác thải” thí điểm trong năm đầu tiên tại Huế. Đây là dịp để các đại biểu đến từ cơ quan hữu quan trong nước và quốc tế, các lãnh đạo cộng đồng cùng thảo luận về thực trạng quản lý rác thải tại Việt Nam và Vương Quốc Anh. Từ đó, mở ra những giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề này trong trường học.
Một con số rất đáng báo động là sản lượng nhựa đã tăng gấp 20 lần trong vòng 50 năm trở lại đây và rác thải từ nhựa đủ để bao quanh trái đất tới bốn lần. Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live and Learn) cho biết, nhựa "sống" lâu hơn con người rất nhiều, trong khi đó công nghệ xử lý rác còn hết sức thô sơ và việc xử lý rác một cách triệt để là chưa có.
"Chỉ với việc chôn và đặc biệt là đốt rác rất thô sơ sẽ là một mối nguy hại về sức khỏe rất lớn đối với con người, do những chất độc hại sản sinh ra trong quá trình thiêu hủy", bà Đỗ Vân Nguyệt nhấn mạnh.
Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia trong và ngoài nước. (Ảnh: HĐA) |
Bà Joana Santos, cố vấn cấp cao tổ chức Wiser Environment, Vương quốc Anh đã giới thiệu và trình bày về mô hình quản lý và xử lý rác thải thành công của Vương quốc Anh. Từ đó cho thấy một chiến lược cấp quốc gia rất tổng thể cho vấn đề quản lý rác thải, từ việc nâng cao nhận thức cho người dân, ở ngay tại khu vực cư dân sinh sống cho tới việc hợp tác với các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, làm việc với các tổ chức chuyên về quản lý rác thải, với các doanh nghiệp tư nhân hay giới thiệu về các sáng kiến thông qua chương trình giáo dục trong các trường học và những chương trình mang tính cộng đồng.
Những chiến lược cấp quốc gia này sẽ cần được triển khai một cách sâu rộng tới chính quyền địa phương các cấp. Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, bà Joana Santos cũng nhấn mạnh việc cần phải biết tận dụng lại mọi thứ, trong một chu trình khép kín từ những nguyên liệu thô đầu vào cho tới quá trình thiết kế, sản xuất, tiêu thụ rồi tiếp tục tái sử dụng và tái chế.
Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: HĐA) |
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đều đồng ý các dự án hỗ trợ về bảo vệ môi trường, đặc biệt với việc quản lý rác thải cần phải có sự hỗ trợ chặt chẽ từ các tổ chức chính quyền địa phương. Qua đó, mang lại tính bền vững của các sáng kiến hành động vì môi trường. Hội thảo không chỉ đơn thuần là việc báo cáo kết quả đã đạt được mà hơn hết, đó là làm sao có thể tiếp tục duy trì và nhân rộng được các hoạt động của dự án một cách lâu dài, bền vững.
Dự án “vì một thế giới không rác thải” đã trang bị không chỉ cho các thầy cô giáo và các em học sinh về kiến thức, kỹ năng quản lý rác thải mà còn truyền cảm hứng về tinh thần công dân tích cực – mong muốn tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng, hướng tới sự phát triển bền vững. Với sự hỗ trợ và cố vấn của các giảng viên nguồn, 12 nhóm dự án hành động vì môi trường đã được triển khai và đang cho kết quả rất tích cực.