Có nhiều việc, nếu đứng riêng rẽ, các nước ASEAN không thể làm được. (Nguồn: the Diplomat) |
Giá trị của cộng đồng
Khi được đặt câu hỏi tại sao ASEAN ra đời và lớn mạnh trong mấy chục năm qua? Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng (nay là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ) trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí đã nói: “Đó chính là bởi giá trị của cộng đồng ASEAN. Có nhiều việc, nếu đứng riêng rẽ, các nước ASEAN không thể làm được mà chỉ có thể gắn kết với nhau mới có thể hiện thực hóa”.
Ông Nguyễn Quốc Dũng phân tích rằng từ gắn kết với nhau trong cộng đồng, các nước mới có được vị thế và tiếng nói quan trọng, hiệu quả, mới đóng góp vào tạo dựng hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
“Đây chính là giá trị của ASEAN và lợi ích của các nước khi là thành viên của Hiệp hội”, ông Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.
Để xây dựng được một cộng đồng ASEAN vững mạnh, theo ông Nguyễn Quốc Dũng, yếu tố cần thiết nhất chính là đoàn kết, nhất trí và tôn trọng những nguyên tắc của ASEAN như nguyên tắc đồng thuận, không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Những nguyên tắc này cũng chính là nền tảng để các nước ASEAN đoàn kết, thống nhất lập trường với nhau.
Bên cạnh đó, vai trò trung tâm của ASEAN thông qua các cơ chế và khuôn khổ do ASEAN thành lập và dẫn dắt cũng là một giá trị rất quan trọng của Hiệp hội. Các cơ chế và khuôn khổ này có ý nghĩa không chỉ đối với ASEAN mà với cả khu vực và thế giới, vì vậy, thu hút được sự tham gia của nhiều đối tác, trong đó có cả các nước lớn. Các nước đều tôn trọng các cơ chế, khuôn khổ của ASEAN, tức là tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN.
Ông Nguyễn Quốc Dũng khẳng định: “Khi những giá trị này được nhân lên sẽ đảm bảo cho tương lai của Hiệp hội”.
Ông Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại Ngày Gia đình ASEAN tổ chức tại Hà Nội tháng 8/2021. (Ảnh: TA) |
Phát huy những gì đã và đang có
Thời gian qua, ASEAN đứng trước nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn chưa từng gặp phải. Dịch bệnh Covid-19 phức tạp, bất ổn nội bộ ở Myanmar và hậu quả của nó là những thách thức to lớn khiến ASEAN phải “căng mình” chống đỡ.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh: "Có lẽ, 'bí mật' hay chìa khóa thành công của ASEAN chính là ở 3 yếu tố cốt lõi: đồng thuận; kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và khu vực; có tầm nhìn. 3 yếu tố này gọi chung là 'phương cách ASEAN', khiến ASEAN trong những vấn đề khó khăn nhất, khác biệt nhất vẫn tìm ra tiếng nói chung". |
ASEAN đang chứng kiến cạnh tranh nước lớn mạnh mẽ, đặt ra những thách thức phức tạp. Điều này đòi hỏi ASEAN phải có cách ứng xử và lập trường phù hợp để vừa tranh thủ cơ hội, kiểm soát rủi ro, vừa thể hiện được vai trò trung tâm của mình.
Cạnh tranh nước lớn sẽ tạo ra những tập hợp lực lượng mới, cạnh tranh địa chiến lược, thương mại… ASEAN đã từng có những tuyên bố của mình như Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), nhấn mạnh các quốc gia đều phải nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, dựa trên hợp tác chung, luật pháp quốc tế và vai trò trung tâm của ASEAN.
Bên cạnh đó, cùng với cộng đồng quốc tế, ASEAN còn phải ứng phó với những vấn đề cố hữu như: các thách thức an ninh phi truyền thống, suy giảm kinh tế do dịch bệnh, khoảng cách giàu nghèo mở rộng, suy thoái môi trường gia tăng…
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, để vượt qua những khó khăn hiện tại và tương lai, ASEAN sẽ phải cố gắng để giữ vững được sự độc lập, tự chủ, tôn trọng luật pháp quốc tế; gắn sự phát triển của mình phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, trong đó có cách mạng công nghiệp 4.0; xử lý tốt các vấn đề an ninh phi truyền thống, các vấn đề toàn cầu.
“Có những giá trị ASEAN đã có, có những giá trị đang có và cần phải tiếp tục gìn giữ, củng cố và phát huy”, ông Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.
Đối với Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, là thành viên của ASEAN, Việt Nam có trách nhiệm gìn giữ, phát huy và nhân lên những giá trị của Hiệp hội; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của Hiệp hội, hướng tới môi trường khu vực hoà bình, ổn định, hợp tác vì phát triển bền vững và thịnh vượng lâu dài cho nhân dân các nước.
Thời gian qua, các nỗ lực của Việt Nam vẫn được các nước thành viên trong ASEAN cũng như các đối tác của ASEAN tôn trọng và đánh giá tốt. Việt Nam cũng phối hợp lập trường với các nước ASEAN về các vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng để đảm bảo giữ vững lập trường độc lập của ASEAN, phát huy vai trò và các quan điểm của ASEAN trước các xu thế mới trong khu vực.
| Chuyên gia Nga lý giải 'sức mạnh của Việt Nam' trong ASEAN Trong bài viết nhan đề “Việt Nam - ngọn cờ đầu của ASEAN”, ông Grigory Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu ... |
| Hợp tác tiểu vùng vì một ASEAN mạnh mẽ hơn, gắn kết hơn Trong hành trình hội nhập khu vực ASEAN, hợp tác tiểu vùng là chìa khóa thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối, ... |