📞

Vì sao châu Phi hụt hơi ?

13:43 | 22/04/2016
Vấp phải những trở ngại trên con đường phát triển thần kỳ, châu Phi sẽ lại rất khó khăn để trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Bất ổn của sự thần kỳ

Kỳ họp mùa Xuân năm 2016 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) không còn được diễn ra trong giai đoạn ổn định của thời kỳ “Tăng trưởng thần kỳ của châu Phi” như trước. Sau hơn 2 thập kỳ phát triển, mức tăng trưởng tại tiểu vùng sa mạc Sahara của châu Phi đã giảm, chỉ còn 3,4% trong năm 2015, mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Mức tăng trưởng chậm thể hiện ở giá trị thấp của hàng hóa tiêu dùng, sự suy giảm tăng trưởng thương mại với các đối tác lớn, và việc thắt chặt các điều khoản vay vốn do tác động mạnh từ điều kiện tài chính không thuận lợi trên toàn cầu. Theo WB, rất nhiều yếu tố, trong đó có giá cả hàng hóa thấp và thương mại toàn cầu giảm sút sẽ kéo dài, điều cho thấy khả năng phục hồi khó khăn của kinh tế  khu vực. Mức tăng trưởng GDP được kỳ vọng sẽ tăng lên 4,2% vào năm 2016 và 4,7% trong năm 2017, 2018. Tuy nhiên, với tốc độ tăng dân số vẫn ở mức 2,7%/năm, tiến độ xóa đói giảm nghèo và gia tăng tầng lớp trung lưu mới vẫn ở mức thấp sẽ khiến cho quá trình tăng trưởng và chống đói nghèo tại Châu Phi bị chậm lại.

Quặng sắt là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Châu Phi (Ảnh: Bloomberg)

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu khiến nền kinh tế châu Phi dễ bị tổn thương bởi những cú “shock” giá hàng hóa tiêu dùng. Nhiên liệu, các loại quặng và kim loại đã chiếm hơn 60% tổng hàng hóa xuất khẩu của châu Phi từ năm 2010 đến năm 2014, trong khi hàng hóa sản xuất chỉ chiếm 16%. Nối tiếp sự sụt giảm mạnh trong năm 2014, giá cả hàng hóa vẫn tiếp tục giảm trong năm 2015. Giá dầu và nhiều kim loại như quặng sắt, đồng, bạch kim đều sụt giảm đáng kể, giá các mặt hàng nông sản như cà phê cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Giá cả hàng hóa được dự báo sẽ ổn định vào năm 2017, dù vẫn duy trì ở mức thấp.

Trong khi đó sự suy giảm ngày càng rõ nét của nền kinh tế Trung Quốc không phải là tin tốt đối với châu Phi. Theo ước tính của WB, trong khoảng thời gian 2 năm, nếu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm 1 điểm phần trăm thì mức giảm giá cả hàng hóa bình quân tương ứng sẽ vào khoảng 6 điểm phần trăm.

Trở lại đỉnh cao tăng trưởng?

Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của WB công bố hồi tháng 1/2016  đã đề xuất cho châu Phi một giải pháp nhằm hạn chế khả năng “dễ bị tổn thương” của hàng hóa tiêu dùng, đó là cần phải làm cho lĩnh vực sản xuất trở nên cạnh tranh hơn. Tiếc rằng, thể hiện rõ sự ủng hộ cải cách cơ cấu để giảm bớt những trở ngại trong nước để tăng trưởng, nhưng WB đã không chỉ ra những vấn đề cụ thể.

Bên cạnh đó, có một thách thức lớn đối với châu Phi tồn tại trong 20 năm qua, đã không được WB hay bất cứ nhà tài trợ nào chỉ ra, đó là phát triển công nghiệp. Các biện pháp công nghiệp hóa của châu Phi chưa mang về kết quả như mong đợi.

Trong năm 2013, lĩnh vực sản xuất của khu vực tiểu vùng Sahara châu Phi chỉ chiếm 10% GDP,  bằng một nửa so với tăng trưởng phải đạt để tương xứng với mức độ phát triển của khu vực. Thị phần sản xuất toàn cầu của châu Phi đã giảm từ 3% trong những năm 1970 xuống còn 2% trong năm 2013. Sản lượng sản xuất công nghiệp bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 1/3 sản lượng trung bình của tất cả các nước đang phát triển và xuất khẩu công nghiệp.

Đối với mục tiêu "chấm dứt nghèo đói cùng cực và thúc đẩy sự thịnh vượng chung", việc bỏ qua một ngành có tiềm năng tạo ra hàng triệu việc làm với mức lương tốt cho người lao động có kỹ năng trung bình có vẻ là một sơ suất lớn.

Dầu vậy, việc tìm ra chính sách nào có thể hỗ trợ Châu Phi vượt qua những yếu kém trong sản xuất lại không dễ dàng như việc đưa ra chủ trương cải cách cơ cấu. Trong 5 năm qua, Ngân hàng phát triển Châu Phi, Viện nghiên cứu Brookings và Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển Thế giới thuộc Đại học Liên hợp quốc (UNU-WIDER) đã cùng tài trợ một dự án nghiên cứu đa quốc gia, nhằm tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao có quá ít ngành công nghiệp tại châu Phi?”.

Cuốn sách "Made in Africa: Học cách cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp" vừa được Viện Brookings xuất bản hồi đầu tháng này đã đưa ra những điều mới mẻ trong việc làm thế nào để các chính phủ châu Phi có thể giải quyết các mục tiêu  đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sản xuất trong nước, hỗ trợ tích trữ công nghiệp và xây dựng năng lực doanh nghiệp. Trong cuốn sách, John Page - thành viên cao cấp của Brookings cho rằng WB và các nhà tài trợ của châu Phi nên cố gắng để trở thành một phần của giải pháp, chứ không phải là một phần của vấn đề.

(Theo Brookings)