📞

Vì sao chuyên gia vẫn tin FDI khó rời Việt Nam, bất chấp tác động tiêu cực từ Covid-19?

Việt An 10:55 | 08/09/2021
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dao động vào thời điểm dịch Covid-19 phức tạp là điều rất bình thường và dòng tiền đầu tư sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế Việt Nam phục hồi.
Dòng vốn FDI vẫn chảy vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCH) đã có văn bản kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh tìm kiếm giải pháp hỗ trợ trong bối cảnh khủng hoảng vì Covid-19, đồng thời cảnh báo đứt gãy chuỗi cung ứng, cũng như các doanh nghiệp FDI rút đầu tư khỏi Việt Nam.

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là nguy cơ hàng loạt nhà máy của các doanh nghiệp FDI buộc phải cắt giảm thậm chí ngưng sản xuất do các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh.

Tại các doanh nghiệp đang hoạt động “3 tại chỗ”, năng lực sản xuất chỉ đáp ứng 10-50% công suất. Một số nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã phải tạm dừng một phần dây chuyền sản xuất do thiếu nguồn cung phụ tùng từ Việt Nam.

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cảnh báo: “Nếu tình hình không được cải thiện với những giải pháp hiệu quả, sẽ xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến một số doanh nghiệp sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam”.

Theo ghi nhận của JCCH, đến nay, đã có rất nhiều hội viên đã phải ngừng hoạt động.

Cùng với đó, theo kiến nghị của JCCH, có một bộ phận các nhà cung cấp linh kiện tại Việt Nam đứng trước nguy cơ buộc phải di dời cơ sở sản xuất/thiết bị từ Việt Nam ra nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc và các nước ASEAN.

Các doanh nghiệp FDI Nhật Bản nhấn mạnh: “Nền sản xuất ô tô của Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu tình hình hiện nay tiếp tục kéo dài. Hiện trong 20.000-30.000 linh kiện cần thiết thì Việt Nam đang là nguồn sản xuất các bộ phận quan trọng, sử dụng nhiều lao động như dây dẫn…

Vì vậy, khi các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ở Việt Nam bị ngưng sản xuất, dây chuyền sản xuất ô tô nguyên chiếc cũng buộc tạm dừng theo. Điều này đã và sẽ tác động tiêu cực đến các ngành công nghiệp và nền kinh tế của Nhật Bản cũng như các nước khác".

Vẫn chờ thời cơ đầu tư vào Việt Nam

Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, thị trường Việt Nam vẫn đón nhận dòng vốn FDI lớn. Vốn đăng ký mới tiếp tục được duy trì tăng, vốn điều chỉnh cũng tăng nhẹ sau khi giảm trong tháng 7/2021.

Đáng chú ý, dòng vốn từ các “đại bàng lớn” vẫn đổ vào Việt Nam, điển hình như tập đoàn LG dù đóng mảng di động nhưng vẫn rót thêm 750 triệu USD vào Hải Phòng, dự kiến đến cuối năm nay có thể bổ sung thêm 1,5 tỷ USD.

Công ty Jinko Solar của Hong Kong (Trung Quốc) cũng đầu tư gần 500 triệu USD vào khu công nghiệp Sông Khoai Quảng Yên, Quảng Ninh và Fukai Technology của Singapore đầu tư vào khu công nghiệp Quang Châu của Bắc Giang.

Nhiều chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19, nhất là làn sóng lây nhiễm thứ tư tại Việt Nam có thể làm gia tăng tâm lý phân vân, e ngại của giới đầu tư, nhất là việc các địa phương thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, sản xuất của các nhà máy bị ngưng trệ, công nhân mất việc làm, ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giới đầu tư hiện vẫn đang quan sát và chờ thời cơ đầu tư vào Việt Nam cũng như khôi phục sản xuất ở nước này vì có nhiều lợi thế.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của giới đầu tư. Thực tế, các “đối thủ” lớn nhất của Việt Nam hiện đang phải quay cuồng ứng phó với đại dịch Covud-19 và tìm các giải pháp phục hồi.

Việc cần thiết bây giờ là Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát là có thể nhanh chóng bật dậy, hồi phục sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư.

Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy rõ hơn bức tranh toàn cảnh. Theo đó, thu hút FDI toàn cầu đã sụt giảm 38% xuống mức thấp nhất tính từ năm 2005, trong đó khu vực châu Âu chịu mức sụt giảm nghiêm trọng nhất với 71%.

Các quốc gia ASEAN có mức giảm tương đối với 31%. Malaysia hứng chịu xu hướng tồi tệ nhất với mức giảm lên đến 68%. Thái Lan cũng ghi nhận mức giảm 50%.

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh rằng, điều quan trọng nhất không phải là con số được bao nhiêu mà là xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, tức phải tập trung vào chất chứ không phải số lượng.

Các nhà đầu tư đều đang tin tưởng và kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng bật trở lại. Việc FDI dao động vào thời điểm dịch Covid-19 phức tạp là điều rất bình thường và dòng tiền đầu tư sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế Việt Nam phục hồi.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn nhận định, đầu tư nước ngoài là hoạt động mang tính dài hạn. Các nhà đầu tư nước ngoài trước khi bỏ vốn đầu tư tại Việt Nam cũng đã nghiên cứu rất kỹ chứ không phải nhất thời nên không thể có chuyện vì giãn cách để phòng chống Covid-19, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian ngắn mà ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Nếu so với một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, môi trường đầu tư của Việt Nam hiện vẫn đang được đánh giá rất cao với những lợi thế vượt trội, trong đó cần kể đến yếu tố chính trị ổn định, chính sách thu hút FDI cởi mở.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới thông qua một loạt Hiệp định Thương mại tự do, quy mô dân số gần 100 triệu dân và chi phí đầu tư, thuê nhân công tại Việt Nam rẻ hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Tuy nhiên, để tăng khả năng cạnh tranh thu hút FDI, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cũng cần có cách làm linh hoạt hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ổn định sản xuất, giảm tối đa những tác hại bất lợi từ dịch Covid-19, Chính phủ nên xem xét giảm thời gian giãn cách, đồng thời tạo thuận lợi để các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm việc, khảo sát môi trường đầu tư và triển khai dự án.

Chuyên gia cho rằng, việc cần thiết bây giờ là Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát là có thể nhanh chóng bật dậy, hồi phục sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư.

(theo Sputnik)