Tháng Hai vừa qua, các nhân viên chăm sóc sức khỏe và các nhà dịch tễ học ở Ấn Độ đã ngạc nhiên trước vận may của đất nước khi số ca nhiễm Covid-19 giảm xuống đáng kể. Các chuyên gia từng tự tin dự đoán rằng, quốc gia này sẽ tránh được nguy cơ phải đối mặt với làn sóng dịch lần thứ hai.
Ấn Độ đang rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh hoàng do đại dịch Covid-19. (Nguồn: AP) |
Tuy nhiên, sang tháng Tư, tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ lại bất ngờ đảo ngược. Quốc gia Nam Á đã chứng kiến số ca nhiễm mới tăng kỷ lục trong những ngày gần đây. Các thi thể chất đống trong các lò hỏa táng tạm bợ. Giường bệnh và oxy trở nên vô vùng khan hiếm. Bệnh nhân và thân nhân tuyệt vọng buộc phải tìm đến chợ đen để mua thuốc.
Khi đại dịch bùng phát, các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, nhiều người đã đổ lỗi cho Chính phủ vì đã không kịp thời ngăn chặn cơn "đại hồng thủy".
Vì đâu đến nỗi?
Quay trở lại thời điểm tháng Hai khi số ca nhập viện tại Ấn Độ giảm mạnh và số ca mắc mới mỗi ngày chỉ khoảng 50 ca, ngang với bang New York (Mỹ). Các chuyên gia dịch tễ học cho rằng thành công của thời điểm đó là do chính phủ đã tạo ra được một hệ thống miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, giờ đây Ấn Độ lại đang trở thành là "tâm chấn" của đại dịch toàn cầu và là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Quốc gia này đã ghi nhận hơn 350.000 ca nhiễm mới chỉ trong ngày 26/4, phá vỡ kỷ lục lây nhiễm hàng ngày lần thứ năm liên tiếp.
Các chuyên gia bắt đầu nghi ngờ rằng, Ấn Độ thực chất chưa đạt được miễn dịch cộng đồng như mọi người lầm tưởng trước đó. Nếu như các đợt bùng phát dịch trước đó chủ yếu chỉ ảnh hưởng đến tầng lớp người nghèo thì đợt dịch lần này lại đang tiến gần hơn tới tầng lớp giàu có, những người mới chỉ bắt đầu hòa nhập với xã hội trở lại sau thời gian cách ly ở đợt bùng phát dịch đầu tiên.
Các cuộc tụ tập đông người cũng được cho là nguyên nhân chính khiến dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bị chỉ trích nặng nề vì đã dỡ bỏ hầu hết những quy định về hạn chế tụ tập; cho phép tổ chức các cuộc biểu tình chính trị lớn, một lễ hội tôn giáo thu hút hàng chục nghìn người hành hương theo đạo Hindu từ khắp đất nước.
Ramanan Laxminarayan, nhà dịch tễ học tại Đại học Princeton (Mỹ), chia sẻ với Nature: “Việc Ấn Độ chinh phục được Covid-19 đã trở thành một câu chuyện đáng tự hào và được lan truyền công khai. Người dân bắt đầu thoải mái hơn sau khi Ấn Độ khởi động chiến dịch tiêm chủng vào tháng Giêng. Nhiều người trở nên mất cảnh giác và tiếp tục tham gia những buổi giao lưu, thoải mái đi du lịch và tổ chức những đám cưới lớn.”
Một khu hỏa táng cho các nạn nhân Covid-19 ở Đông New Delhi. (Nguồn: New York Times) |
Bóng ma của biến thể mới
Vẫn chưa rõ liệu sự xuất hiện của các biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao có phải là yếu tố chính khiến dịch bệnh ở Ấn Độ trở nên ngày càng tồi tệ hơn hay không. Các nhà khoa học tin rằng, rất có thể những biến thể này đã đóng một vai trò nào đó, nhưng vai trò của chúng đến bao nhiêu thì còn nhiều điều phải bàn đến.
Biến thể mới B.1.1.7 xuất hiện lần đầu ở Anh, được đánh giá là có khả năng lây lan cao hơn từ 40% đến 70% so với các biến thể trước và có khả năng gây tử vong cao hơn, đang bùng phát rộng khắp toàn bang Punjab.
Tại bang Maharashtra, biến thể chính đe dọa người dân Ấn Độ là B.1.617. Biến thể này còn được gọi là "virus đột biến kép" vì nó là “con lai” của hai biến thể nguy hiểm khác. Tuy nhiên, chưa có công bố chính thức về việc liệu mức độ truyền nhiễm của B. 1.617 có phải là nguyên nhân chính đứng đằng sau sự bùng dịch tại nước này hay không.
"Các biến thể đầu tiên được xác định ở Brazil và Nam Phi cũng được xác định là xuất hiện ở Ấn Độ", Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình của nước này cho biết vào tháng 3/2021.
Cuộc khủng hoảng thiếu oxy
Thông thường, các bệnh viện và phòng khám của Ấn Độ chỉ sử dụng khoảng 15% lượng oxy lỏng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, con số này đã tăng lên đến 90%.
Do một số bang của Ấn Độ không có nhà máy để có thể tự sản xuất oxy lỏng, người dân đã phải chờ nguồn cung vận chuyển đến từ các bang còn lại. Theo BBC, việc bơm đầy một bình oxy mất đến hai giờ. Điều này đã dẫn đến cảnh những hàng dài tàu vận chuyển phải xếp hàng bên ngoài các nhà máy oxy.
Khi nhu cầu trong các bệnh viện ngày một tăng, một số nhà phê bình kiến nghị rằng chính phủ nên có sự chuẩn bị tốt hơn. Vào tháng 10, Bộ Y tế Ấn Độ đã công bố kế hoạch xây dựng thêm nhà máy sản xuất oxy, nhưng cho đến nay chỉ có 33 trong số 162 nhà máy được hoàn thành.
Vào ngày 25/4, Thủ tướng Modi đã công bố kế hoạch để xây dựng thêm 551 nhà máy oxy khác, như vậy mỗi quận sẽ có ít nhất một nhà máy. Ông Modi đã hạ lệnh yêu cầu phải triển khai kế hoạch này “càng sớm càng tốt”. Tuy nhiên, kế hoạch này được đánh giá là quá muộn khi có quá nhiều người tử vong do thiếu hụt nguồn cung oxy.
Rajabhau Shinde - người điều hành một nhà máy oxy nhỏ ở Maharashtra chia sẻ với BBC: “Chúng tôi đã nói với các nhà chức trách rằng chúng tôi sẵn sàng tăng công suất của các nhà máy, nhưng chúng tôi cần hỗ trợ tài chính. Giống như người ta thường nói, hãy đào giếng trước khi bị khát. Nhưng chúng ta đã không làm như vậy".
Thiếu hụt nguồn oxy khiến cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh tại Ấn Độ thêm trầm trọng. (Nguồn: Reuters) |
Thế giới tăng cường hỗ trợ
Nhiều quốc gia đã nhanh chóng hỗ trợ Ấn Độ, với hy vọng quốc gia Nam Á sẽ sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Singapore, Đức và Anh đã gửi nhiều thiết bị y tế như máy thở và oxy đến Ấn Độ hồi cuối tuần qua. Trong khi đó Pháp, Nga và Australia đã xác nhận gửi viện trợ cho Ấn Độ. Trung Quốc và Pakistan đã đề nghị giúp đỡ.
Liên minh châu Âu (EU) đang phối hợp với các quốc gia thành viên để gửi oxy và thuốc men. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết WHO sẽ cử thêm nhân viên và vật tư đến Ấn Độ.
Ngày 26/4, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết họ sẽ gửi nguyên liệu vaccine thô, máy thở, thiết bị bảo vệ cá nhân, vật tư liên quan đến oxy và thuốc điều trị đến Ấn Độ. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Modi, Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ hỗ trợ Ấn Độ trong công tác ngăn chặn sự gia tăng của virus SARS-CoV-2. Sau đó, Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ cung cấp tới 60 triệu liều vaccine AstraZeneca đến các quốc gia đang bị đe dọa bởi đại dịch trong vài tuần tới.