Kênh truyền hình Asahi của Nhật Bản đưa tin các công tố viên cũng đã kiểm tra nơi cư trú của ông Ghosn tại thủ đô Tokyo để tìm kiếm chứng cứ. Lệnh bắt lại ông Ghosn được đưa ra theo yêu cầu của các công tố viên sau khi Tòa án thành phố Tokyo ngày 20/12 bác đề nghị của các công tố viên về việc gia hạn giam giữ đối với ông Ghosn.
Cựu Chủ tịch tập đoàn Nissan Motor Carlos Ghosn. (Nguồn: AP) |
Với lệnh bắt giữ mới, ông Ghosn có thể bị giam giữ thêm 10 ngày tại một nhà tù ở Tokyo. Điều này đồng nghĩa với việc ông Ghosn sẽ không được tại ngoại trước dịp Giáng sinh như mong muốn bảo lãnh của các luật sư.
Các công tố viên Tokyo cho biết, vụ bắt lại dựa trên những nghi ngờ rằng, vào tháng 10/2008, ông Ghosn đã chuyển các giao dịch cá nhân sang cho Nissan, khiến tập đoàn này phải chịu khoản lỗ ước tính 1,85 tỷ yen (16,6 triệu USD). Ông Ghosn cũng gây thiệt hại cho Nissan bằng cách khiến công ty gửi tổng cộng 14,7 triệu USD trong bốn lần vào một tài khoản ngân hàng liên quan tới ông trong giai đoạn từ tháng 6/2009 đến tháng 3/2012 . Trước lần bắt giữ mới nhất này, ông Ghosn từng hai lần bị bắt giữ kể từ ngày 19/11, liên quan tới các cáo buộc vi phạm Luật quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính, thao túng các hồ sơ tài chính và báo cáo không đầy đủ thu nhập cá nhân từ năm 2010. Cùng bị bắt với ông Ghosn còn có phụ tá thân cận của ông - cựu Giám đốc đại diện của Nissan Greg Kelly. Theo các công tố viên Tokyo, ông Ghosn bị tình nghi kê khai thu nhập tại Nhật Bản thấp hơn so với thực tế 5 tỷ Yen (tương đương 44,6 triệu USD) trong vòng 5 năm (tính đến tháng 3/2015). Riêng trong các báo cáo chứng khoán của Nissan trong 3 năm qua (tính đến tháng 3/2018), ông Ghosn bị nghi ngờ kê khai thu nhập thấp hơn so với thực tế 4,2 tỷ Yen (tương đương 37,3 triệu USD).