Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ghi nhận lực mua vàng tháng thứ 18 liên tiếp vào tháng 4 vừa qua. (Nguồn: AP) |
Dòng tiền đổ vào vàng
Chuyên gia Tsutomu Kosuge, chủ tịch công ty nghiên cứu hàng hóa Marketedge cho biết, các nhà đầu tư và đầu cơ đã dẫn đầu hầu hết các đợt tăng kỷ lục trước đây của giá vàng. “Đợt tăng giá lịch sử từ tháng 3 đến tháng 4 là một ví dụ bất thường về nhu cầu thực tế từ Trung Quốc đang đẩy thị trường kim loại quý lên cao hơn” – chuyên gia Kosuge nói với tờ Nikkei Asia.
Trên thị trường New York, hợp đồng tương lai vàng đang dao động trong khoảng từ 2.300 - 2.350 USD/ounce đối với các hợp đồng được giao dịch nhiều nhất. Mức này tăng hơn 10% so với giá đóng cửa 2.054,7 USD vào cuối tháng 2. Hợp đồng tương lai vàng cũng đã ghi nhận mức cao kỷ lục trong 8 phiên giao dịch liên tiếp vào đầu tháng 4, có thời điểm chạm mức 2.448,8 USD/ounce.
Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), các quỹ ETF vàng vật chất chỉ thu hút dược dòng tiền chảy ròng hơn 113 tấn trong quý 1/2024. Nguyên nhân của điều này là do các quỹ ETF vàng thường thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư tổ chức phương Tây, nhưng lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng cao, vì vậy các nhà đầu tư tổ chức đã rút tiền ra khỏi vàng bởi đây là khoản đầu tư không sinh lãi.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn tăng nóng, dẫn đến những đồn đoán về danh tính của những người mua bí ẩn đã thúc đẩy đà tăng mạnh mẽ của giá kim loại quý trong những tháng đầu năm nay.
Dữ liệu của Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) công bố hôm 8/5 cho thấy, khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày của các sản phẩm vàng trong tháng 3 và tháng 4 đã đạt 613,4 tấn, tăng 78,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính riêng trong tháng 4, khối lượng giao dịch đã cao hơn gấp đôi so với mức thấp nhất gần đây là 141,2 tấn được ghi nhận vào tháng 10/2023.
Báo cáo của WGC cho biết, nhu cầu vàng miếng và tiền xu của Trung Quốc trong quý 1 đã tăng 68% so với cùng kỳ năm 2023. Theo một số chuyên gia thị trường, nhu cầu từ các nhà đầu tư cá nhân cùng với hoạt động mua của các đại lý nhằm dự trữ vàng và bán trên SGE cũng góp phần thúc đẩy giá vàng.
Theo nhà phân tích thị trường Jeff Toshima, dòng tiền đang đổ vào vàng trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc chưa phục hồi và chính quyền Bắc Kinh tiếp tục thắt chặt các biện pháp kiểm soát đối với tài sản tiền điện tử.
Bên cạnh hoạt động mua vàng mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bổ sung lượng vàng nắm giữ trong 18 tháng liên tiếp tính đến tháng 4. Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác cũng đang đẩy mạnh nắm giữ vàng trong dự trữ ngoại hối.
Chuyên gia Kosuge cho biết, việc mua vàng của PBOC đang mang lại cho các nhà đầu tư cá nhân tại thị trường Trung Quốc cảm giác yên tâm.
Vàng hiện vẫn các nhà đầu tư săn lùng mặc dù gá vàng giao ngay ở nước này đã vượt mức chuẩn quốc tế của Sàn giao dịch London kể từ tháng 6/2023.
Ông Takahiro Morita, Giám đốc điều hành của Công ty nghiên cứu thị trường hàng hóa Morita & Associates lý giải thêm: “Các nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc đang tích cực mua vàng nhằm bảo vệ tài sản trước lo ngại tiền tệ mất giá và điều này có thể trở thành xu hướng dài hạn”.
Dự báo giá vàng
Trả lời phỏng vấn Kitco News, ông George Milling-Stanley, Giám đốc chiến lược vàng tại State Street Global Advisors, nhận định, mặc dù thị trường vàng bước vào giai đoạn điều chỉnh sau đợt leo dố 400 USD một ounce vào tháng 3, giá kim loại quý vẫn có khả năng tiếp tục tăng mạnh vào cuối năm.
Những lo ngại về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tạo ra một số áp lực bán vàng trong ngắn hạn, song chuyên gia Milling-Stanley cho rằng giá vàng vẫn được hỗ trợ trong dài hạn do nhu cầu dự trữ của các ngân hàng trung ương và tình trạng bất ổn địa chính trị đang diễn ra.
Đồng quan điểm, ông Jeff Clark, biên tập viên của TheGoldAdvisor.com, cho biết, bên cạnh nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương, khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay có thể đẩy giá kim loại này lên cao hơn.
Giá vàng đã đạt nhiều mức cao chưa từng có nhờ vào việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tăng tốc mua dự trữ. Chuyên gia Clark cho rằng việc mua vàng của các ngân hàng trung ương đã đạt đến "đỉnh cao" sau 15 năm tăng chi tiêu vào vàng.
Do đó, ông Clark nhận định rằng việc Fed nới lỏng chính sách tiền tệ có thể là một động lực thực sự cho kim loại quý này. Ngưỡng giá 2.500 USD/ounce là mốc mà giá dễ dàng có thể đạt được trong năm nay. Lãi suất thấp hơn thường có xu hướng làm tăng sức hấp dẫn của vàng vì kim loại quý không đem lại lãi suất.