Ngày 19/9, một trận động đất cấp độ 7,1 độ richter đã làm rung chuyển miền Trung Mexico, làm hàng trăm người thiệt mạng và nhiều tòa nhà bị sụp đổ. Đáng chú ý, trận động đất ngày 19/9 xảy ra chưa đầy hai tuần khi vùng Chiapas ở phía Tây Nam Mexico bị rung chuyển bởi một cơn địa chấn mạnh 8,2 độ richter, khiến ít nhất 100 người chết.
Tại sao Mexico lại dễ bị tổn thương và thường xuyên phải chịu những trận động đất mạnh như vậy?
Mexico đã phải hứng chịu 2 trận động đất liên tiếp chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần. (Nguồn: BBC) |
Theo Giám đốc Viện Vật lý Địa cầu Peru Hernando Tavera, câu trả lời đến từ vị trí địa lý của quốc gia Bắc Mỹ này. Mexico nằm trong khu vực hình móng ngựa có hoạt động địa chấn cao, còn được gọi là vành đai núi lửa Thái Bình Dương, kết nối giữa châu Mỹ với châu Á. 90% các trận động đất trên thế giới và 80% các trận động đất lớn nhất xảy ra tại vành đai núi lửa này.
Giám đốc Viện Vật lý Địa cầu Tavera giải thích: “Lòng chảo Thái Bình Dương nằm trên một số mảng kiến tạo địa chất. Việc xuất hiện các hoạt động địa chấn với cường độ cao trong vùng này là do hội tụ của những mảng địa chất, tạo ra ma sát và dần dần bùng phát thành động đất. Vành đai núi lửa Thái Bình Dương có 452 miệng núi lửa, chiếm hơn 75% núi lửa trên toàn thế giới”.
Theo Sở Địa chấn Quốc gia Mexico, Chiapas là một trong những bang dễ bị động đất nhất. Từ năm 1970 đến nay, Chiapas đã phải hứng chịu 3 trận động đất mạnh với cường độ hơn 7 độ richter. Nguyên nhân được cho là sự hội tụ và tương tác giữa hai mảng kiến tạo địa chất Cocos và Caribbean, diễn ra ở bờ biển Thái Bình Dương, ngay trước bang Chiapas.
Ngoài Mexico, vành đai núi lửa Thái Bình Dương còn bao trùm Nhật Bản, Ecuador, Chile, Mỹ, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Panama, Costa Rica, Nicaragua, El Salvador, Honduras, Guatemala và một phần biển Thái Bình Dương của Canada.
Đường cong phía trên của vành đai núi lửa hình móng ngựa bao trùm các đỉnh núi thuộc quần đảo Aleutian ở phía Bắc Thái Bình Dương, giữa Alaska và bán đảo Kamchatka, sau đó đi xuống bờ biển và các đảo của Nga, Philippines, Indonesia, Papua New Guinea và New Zealand.