Phó Tổng thống Machar đưa ra tuyên bố trên qua sóng phát thanh của đài Eye Radio Juba. Ông nói: "Tôi thông báo với tất cả các binh sĩ, những người đang chiến đấu và tự vệ, rằng họ phải tôn trọng lệnh ngừng bắn và giữ nguyên vị trí".
Trước đó, Tổng thống Kiir đã đưa ra lệnh ngừng bắn đơn phương. Phát biểu trên đài truyền hình nhà nước SSTV, Bộ trưởng Thông tin Michael Makuei cho biết, Tổng thống Kiir đã yêu cầu tất cả chỉ huy lực lượng phải ngừng bắn, kiểm soát binh sĩ của mình và bảo vệ dân thường. Theo đó, lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực từ 18h ngày 11/7 (giờ địa phương) và các lực lượng của hai bên đều phải tuân thủ.
Cũng theo Bộ trưởng Makuei, Tổng thống Kiir khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận hòa bình được ký kết vào tháng 8/2015 giữa ông và Phó Tổng thống Machar nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm tại quốc gia non trẻ nhất thế giới này.
Các binh sĩ chính phủ trung thành với Tổng thống Nam Sudan Salvar Kiir. (Nguồn: VOA) |
Trong bối cảnh bạo lực bùng phát tại Nam Sudan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã hối thúc Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí tại quốc gia này, trừng phạt các lãnh đạo cũng như các chỉ huy lực lượng không thực thi thỏa thuận hòa bình và cản trở sứ mệnh của lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan (UNMISS).
Ngoài ra, ông Ban Ki-moon cũng lên án mạnh mẽ việc hai nhân viên gìn giữ hòa bình người Trung Quốc thiệt mạng trong các cuộc giao tranh mới nhất tại thủ đô Juba.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 11/7, Nhà Trắng đã lên án mạnh mẽ các cuộc giao tranh đẫm máu tại Juba. Trong một thông báo, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice nhấn mạnh: "Mỹ lên án mạnh mẽ các hành động bạo lực tại Nam Sudan. Đây là các hành động bạo lực vô nghĩa và không thể tha thứ".
Trong một cuộc họp khẩn tại thủ đô Nairobi (Kenya) ngày 11/7, Hội đồng Bộ trưởng của Cơ quan Phát triển Liên chính phủ (IGAD) đã kêu gọi UNMISS xem xét lại sứ mệnh của mình tại Nam Sudan cũng như thành lập một đơn vị quân đội nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực đang bùng phát tại thủ đô Juba.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng của khối Đông Phi này đề nghị LHQ phải tăng thêm số binh sĩ UNMISS từ các nước trong khu vực để đảm bảo an ninh cho Juba, đồng thời kêu gọi giới chức Nam Sudan ngay lập tức phải mở lại sân bay quốc tế Juba dưới sự bảo vệ của UNMISS.
Các binh sĩ thuộc UNMISS. (Nguồn: AFP) |
Cùng ngày, Liên đoàn Arab (AL) đã bày tỏ quan ngại về tình hình Nam Sudan trong những ngày qua. Tổ chức Arab này cảnh báo tình trạng leo thang bạo lực và các cuộc xung đột nổ ra tại Juba có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, rất khó kiểm soát hoặc kiềm chế trong thời gian ngắn. AL cũng thúc giúc các bên đối địch phải tuân thủ thỏa thuận hòa bình năm 2015.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng có động thái tương tự, kêu gọi các bên tự kiềm chế nhằm tránh nguy cơ đẩy đất nước này vào một cuộc nội chiến mới cũng như phá hủy những thành quả đã đạt được về thỏa thuận hòa bình. Bộ trên cũng cho biết Ai Cập sẵn sàng hỗ trợ Nam Sudan giải quyết những bất đồng cũng như ủng hộ những nỗ lực của khu vực và quốc tế nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu, khôi phục ổn định tại quốc gia Đông Phi này.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nam Phi ra thông cáo cho biết Tổng thống Jacob Zuma bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực bùng phát trong vài ngày qua ở Nam Sudan. Theo Tổng thống Zuma, các vụ đấu súng tại thủ đô Juba của Nam Sudan đe dọa đến những triển vọng đã đạt được trong thỏa thuận hòa bình cũng như đối với chính phủ chuyển tiếp đoàn kết dân tộc mới được thành lập tại quốc gia non trẻ này.