Ngày 12/7, Singapore ra thông báo nới lỏng giãn cách xã hội. Đây có lẽ sẽ là thông báo cuối cùng trước khi người dân nước này bước vào trạng thái bình thường mới và sống chung với Covid-19.
Khi nhìn lại, chính phủ Singapore chưa bao giờ coi chiến lược “Không Covid-19” là mục tiêu cuối cùng của mình.
Là một quốc gia nhỏ về diện tích lãnh thổ và quy mô dân số, có nền kinh tế mở và giao thương sâu rộng với bên ngoài, Singapore chắc chắn hiểu rõ rằng họ không thể đóng cửa lâu dài để ngăn dịch vì làm vậy là tự hủy diệt chính mình.
Singapore đã sớm nhận ra vaccine, miễn dịch cộng đồng, hay ít nhất là việc cùng tồn tại với virus mới chính là đích cuối cùng. (Nguồn: Reuters) |
Kịch bản thoát dịch và hậu Covid-19
Singapore trên thực tế đã thận trọng chuẩn bị kế hoạch "sống chung" với Covid-19 trên cơ sở chuẩn bị kỹ lưỡng và cân nhắc đầy đủ cả ba yếu tố: Chính trị, kinh tế và khoa học. Khi thực hiện kế hoạch dài hơi này, chính quyền đã tỏ ra linh hoạt và kịp thời điều chỉnh quyết định chiến lược để phù hợp với thực tế.
Trong số hơn 94 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng biện pháp siết chặt giãn cách xã hội để chống dịch, và rất nhiều quốc gia ra quyết định trên cơ sở ý chí chính trị, Singapore được cho là đã tham vấn và tiếp thu khuyến nghị từ giới khoa học và y học.
Một trong những tạp chí y khoa uy tín và lâu đời nhất thế giới được Bộ Y tế Singapore tài trợ là Lancet Regional Health đã nghiên cứu và đề xuất các kịch bản thoát dịch cho chính phủ.
Tổ chức này đã nghiên cứu ảnh hưởng của việc phong tỏa và giãn cách xã hội, cách ly và điều trị người bệnh có triệu chứng nhẹ bên ngoài bệnh viện, mở cửa trường học ngay lập tức và nới lỏng các biện pháp giãn cách tại Singapore so với kịch bản phong tỏa và giãn cách lâu dài.
Nhờ có những nghiên cứu khoa học của các tổ chức như vậy, Singapore đã xử lý thành công đợt bùng phát dịch tại khu lưu trú của công nhân nước ngoài, hạn chế ảnh hưởng đối với cộng đồng dân cư, bảo vệ được bệnh viện và hệ thống y tế và quan trọng, nhất là tìm ra cách sống chung với Covid-19.
Giãn cách xã hội trong khi chờ vaccine
Thời điểm mới bùng phát dịch Covid-19 vào đầu năm 2020, Singapore cùng một số quốc gia châu Á được cho là đã kiểm soát dịch khá hiệu quả, giữ số ca nhiễm ở mức dưới 2 con số mỗi ngày.
Chính phủ đã sớm mạnh tay chi hơn 1 tỷ SGD, đồng thời thành lập nhóm tìm kiếm, lựa chọn và đầu tư vào các hãng dược phẩm sản xuất vaccine phòng Covid-19.
Có thể thấy Singapore đã sớm nhận ra vaccine, miễn dịch cộng đồng, hay ít nhất là việc cùng tồn tại với virus mới chính là đích cuối cùng.
Trong một phiên họp được truyền hình trực tiếp cuối năm 2020, Thủ tướng Singapore tiết lộ rằng chính phủ đã sớm thành lập cơ quan chuyên trách và chi hơn 1 tỷ SGD từ tháng 4/2020 để có quyền tiếp cận, sở hữu và sớm mang được số vaccine cần thiết về nước ngay trong năm 2020.
Từ tháng 4/2020 đến cuối tháng 6/2021, chính phủ đã nhiều lần thực hiện giãn cách xã hội: Nới lỏng, siết chặt lại, rồi tiếp tục nới lỏng; đồng thời áp dụng các biện pháp tạm thời để duy trì nền kinh tế và hệ thống y tế trước nguy cơ sụp đổ vì quá tải.
Ngày 14/12/2020, khi lô vaccine đầu tiên được đưa về Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố: “Nền kinh tế của chúng ta bị ảnh hưởng nặng, song chúng ta đã không để cho nó bị sụp đổ. Mặc dù nền kinh tế thế giới đang chao đảo, nhưng phần lớn công dân của chúng ta vẫn giữ được việc làm”.
Có lẽ do chủ động nắm được nguồn cung vaccine cần thiết và chuẩn bị tốt nên chính phủ Singapore đã nhanh chóng triển khai tiêm phòng và phân bổ vaccine hợp lý, do đó tránh được tình trạng hỗn loạn.
Người dân được chính quyền thông báo về thời gian tiêm chủng cụ thể và đăng ký trước ngày giờ tiêm qua một ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh hoặc qua trang mạng của Bộ Y tế.
Các nhóm dân cư được phân chia dựa trên độ tuổi chứ không theo địa bàn bởi khả năng mắc bệnh nghiêm trọng do Covid-19 gây ra tăng theo độ tuổi.
Singapore cũng đã nhanh chóng thay đổi chiến lược tiêm vaccine khi nhận thấy chủng mới Delta của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh. Từ kế hoạch tiêm tập trung đầy đủ hai mũi, chính quyền chuyển sang tiêm theo diện rộng để tăng số người được bảo vệ. Gần đây, chính quyền lại quay về chiến lược tiêm tập trung theo nhóm.
Tính đến ngày 12/7, Bộ Y tế nước này đã đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho hầu hết dân cư trên 12 tuổi. Singapore được xem là quốc gia có tốc độ tiêm chủng mũi vaccine thứ nhất nhanh nhất châu Á, cao hơn cả Mỹ hay Anh.
Thận trọng mở cửa và sống chung với Covid-19
Có nhiều ý kiến về việc chính phủ không vội vã mở cửa toàn bộ đất nước và hủy bỏ các biện pháp giãn cách xã hội đang được áp dụng, giống như Anh hay Mỹ, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng của Singapore cao hơn 2 quốc gia này.
Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong tiêm vaccine Covid-19 hồi tháng Một. (Nguồn: Straits Times) |
Chuyên gia y tế K.C.Gupta cho rằng, trong khi quyết định sống chung với Covid-19 thể hiện bản lĩnh của người lãnh đạo thì thái độ thận trọng của chính quyền về việc mở cửa đất nước phản ánh trách nhiệm cao của họ đối với sức khỏe cộng đồng.
Đây cũng là điều khác biệt về quan điểm giữa Singapore và nhiều nước phương Tây, vốn chấp nhận đánh đổi sức khỏe cộng đồng lấy tự do kinh tế và tự do cá nhân.
Trên thực tế, tuy các loại vaccine phòng Covid-19 mà Singapore đang sử dụng được sản xuất bởi các hãng dược phẩm hàng đầu thế giới và được cấp phép sử dụng khẩn cấp, nhưng chưa thể khẳng định chắc chắn về hiệu quả của những vaccine này đối với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, cũng như tác dụng phụ của chúng.
Lãnh đạo Singapore cũng bày tỏ quan ngại về việc nước này chưa thể sớm đạt được miễn dịch cộng đồng (vốn đòi hỏi 90-95% dân số được tiêm chủng đầy đủ) trong bối cảnh các biến thể virus mới đang lây lan nhanh chóng.
Một yếu tố nữa cần được chính quyền cân nhắc trước khi mở cửa là việc cộng đồng có chấp nhận thay đổi hay không.
Bộ trưởng Y tế nước này từng lưu ý về việc nhiều người dân đã quen với số ca mắc Covid-19 được ghi nhận hằng ngày ở mức thấp. Do vậy, một sự cố bất ngờ khiến số ca nhiễm tăng lên có thể sinh ra tâm lý hoảng loạn hoặc thái độ phân biệt đối xử.
Thế nào là "sống chung" với Covid-19?
“Bình thường mới” theo mô tả của chính phủ Singapore là trạng thái một đại dịch chuyển thành một loại bệnh đặc hữu, như cảm cúm hay sốt rét. Còn “sống chung" với Covid-19 được hiểu là:
Thứ nhất, một người mắc Covid-19 có thể được điều trị tại nhà vì vaccine làm giảm nhẹ các triệu chứng.
Thứ hai, không cần truy vết quyết liệt và cách ly F1, F2 mỗi lần phát hiện ra các ca mới. Người dân sẽ tự xét nghiệm tại nhà và tự cách ly nếu mắc Covid-19.
Thứ ba, không cần theo dõi số ca nhiễm bệnh hằng ngày, mà chỉ cần quan tâm đến số ca bệnh nặng, cần thở oxy và cần điều trị đặc biệt, giống như điều trị bệnh cúm.
Thứ tư, dần cho phép tụ tập đông người tại các sự kiện lớn và chấm dứt tình trạng ngắt quãng hoạt động kinh doanh.
Thứ năm, cho phép người dân trong nước đi du lịch nước ngoài và khách du lịch quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ tới Singapore, miễn cách ly nếu xét nghiệm âm tính.
Vậy các nước có thể học được gì từ cách chống dịch của Singapore thời gian qua?
Singapore có những thuận lợi sẵn có để chống dịch hiệu quả hơn các quốc gia khác như sự thịnh vượng quốc gia, dân số và diện tích lãnh thổ nhỏ gọn, kỷ luật cộng đồng cao.
Chiến lược chống dịch của chính phủ được cho là đã cân nhắc thấu đáo ba yếu tố: Chính trị, kinh tế và khoa học. Đồng thời, do số dân và lãnh thổ nhỏ mà các quyết định được thực thi ngay, hầu như không có sự chậm trễ.
Việc áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến vào truy vết và tổ chức tiêm chủng cũng tạo thuận lợi cho việc mở cửa sớm hơn.
Tuy vậy, các yếu tố được cho là thuận lợi sẵn có này cũng chứa đựng rủi ro tiềm tàng. Quy mô dân số nhỏ gọn cũng khiến cho bất cứ một sai sót, một tính toán vội vàng nào trong việc mở cửa nhanh chóng tác động tiêu cực đến cả cộng đồng.
Bài toán chung cho hầu hết các quốc gia trong chống dịch Covid-19 là phải cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì sự phát triển kinh tế. Đối với Singapore, nhiệm vụ này có lẽ nặng nề hơn cả việc chọn lựa giữa mạng sống và sinh kế vì dân số của họ chưa đến 6 triệu người.