📞

Vì sao thị trường bán lẻ Việt Nam liên tục “rớt hạng”

09:26 | 21/06/2012
Từ vị trí hấp dẫn nhất thế giới theo xếp hạng năm 2008, thị trường bán lẻ Việt Nam đã “rớt hạng” liên tục trong mấy năm qua.
(Ảnh minh họa: Ngọc Tiệp/TTXVN)

Theo báo cáo đánh giá vừa được công bố của Hãng tư vấn A.T. Kearney (Mỹ), năm 2012 Việt Nam không ở trong danh mục xếp hạng các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nữa.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng sự tụt hạng nhanh chóng đó chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường không còn được đánh giá cao như thời điểm mới gia nhập WTO.

Nói đến nguyên nhân dẫn đến kết quả đáng tiếc này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, nhận định môi trường đầu tư cũng như cạnh tranh của Việt Nam đang dần mất đi sức hấp dẫn vốn có. Bên cạnh sự ảnh hưởng của tình hình kinh tế vĩ mô trong bối cảnh lạm phát tăng, sức mua trên thị trường giảm thì các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng như ngoài nước gặp khó trong tiếp cận đất đai, sự không ổn định về chính sách.

Ngoài ra, những yếu tố khách quan như nạn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái tràn lan cũng ảnh hưởng không nhỏ đến độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, thị trường bán lẻ Việt Nam đã phát triển nhanh về tốc độ, quy mô nhưng lại không bền vững. Cùng với đó, quy mô thị trường không lớn nên dễ bị tác động từ bên ngoài.

Ngoài ra, do sức mua không cao, hàng hóa nhập khẩu tạo ra sự cạnh tranh mạnh và nhiều khi không lành mạnh nên trong quá trình mở cửa bị tác động lớn. Thêm vào đó, doanh nghiệp trong nước cũng gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện pháp lý - văn bản pháp lý thì rất đầy đủ nhưng những điều kiện tạo cho doanh nghiệp thì vẫn còn nhiều trở ngại như đất đai, thuế, cơ chế thị trường.

Một số nhà bán lẻ nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam cho biết giá bất động sản cao so với khu vực và lãi suất tín dụng cao đang là rào cản lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước thì cho rằng, họ “yếu thế” hơn các doanh nghiệp nước ngoài vì đa số họ đều là những doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, vốn hạn chế, sức cạnh tranh yếu, cơ sở vật chất lại càng khó.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phú Thái, cho rằng bản thân các doanh nghiệp trong nước khi đi các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, tiếp cận với đất đai, mặt bằng rất khó. Bên cạnh đó, nhiều địa phương lại có “cảm tình” hơn với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện nhiều cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cũng nhìn nhận, việc liên tiếp “tụt hạng” của thị trường bán lẻ Việt Nam giống như một sự “cảnh báo” đối với nền kinh tế. Theo ông, để lấy lại sức hấp dẫn, cần có sự minh bạch hơn nữa trong chính sách và điều quan trọng là chính sách phải ổn định. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện về vốn, đất đai cho các doanh nghiệp, đồng thời, hệ thống phân phối cũng cần phải được quy hoạch dài hơi hơn.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, do các cam kết mở cửa thị trường Việt Nam trong tương lai sẽ còn sâu rộng hơn trong cam kết WTO nên các doanh nghiệp bán lẻ phải tìm cách vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.

Diễn biến thị trường bán lẻ thời gian qua cũng cho thấy doanh nghiệp bán lẻ đã đạt được thành tựu lớn nhưng vẫn còn tồn tại đe dọa sự phát triển như quy mô thị trường nhỏ, manh mún, bán lẻ truyền thống chiếm phần lớn.

Do vậy, bà Đinh Thị Mỹ Loan đề xuất trong chiến lược phát triển thị trường trong nước thời gian tới, cần có chính sách quan tâm, xây dựng những nhà phân phối nội địa đủ mạnh, làm nòng cốt cho sự phát triển của thị trường.

Bộ Công Thương cũng thừa nhận trong 5 năm gia nhập WTO, về khung pháp lý chưa thực sự đồng bộ, có những điều không nhất quán, đặc biệt không còn phù hợp với tình hình hiện nay, cần có những sửa đổi về cơ chế, phương pháp để các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp tục phát triển.

Xác định hệ thống phân phối bán lẻ có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế và ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam, Bộ Công Thương khẳng định sẽ nghiên cứu, đề xuất sự hỗ trợ từ Chính phủ mà không vi phạm các cam kết gia nhập WTO. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phân phối vốn trong nước liên doanh với các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới lập cơ sở bán lẻ ở Việt Nam để qua đó học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu trình độ quản lý và công nghệ tiên tiến.

Tuy nhiên, với gần 90 triệu dân và là một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường có tiềm năng phát triển rất lớn và hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ nước ngoài.

Theo các chuyên gia kinh tế, kết quả xếp hạng của A.T. Kearney chỉ có thể đánh giá về độ hấp dẫn của thị trường đối với các nhà đầu tư, hoàn toàn khác so với độ hấp dẫn và tiềm năng thực tế của thị trường, nó cũng chỉ có giá trị tham khảo đối với những nhà đầu tư bắt đầu có ý định đầu tư vào Việt Nam chứ không ảnh hưởng đến kế hoạch của những nhà đầu tư đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về thị trường bán lẻ Việt Nam.

Trên thực tế, các tập đoàn bán lẻ lớn đang có mặt tại Việt Nam vẫn đang chạy đua mở rộng hệ thống phân phối. Với việc mở cửa thị trường, các tập đoàn lớn trên thế giới như Metro, trung tâm mua sắm Parkson (Malaysia), Lotte (Hàn Quốc)… đã và đang tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động.

Số lượng cơ sở phân phối của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã vào trước khi Việt Nam gia nhập WTO cũng tăng lên đáng kể như Metro Cash&Carry mở thêm 10 trong tổng số 17 trung tâm đang hoạt động, Big C mở thêm 13 trong số 18 đại siêu thị Big C, Parkson mở thêm 7 trung tâm mua sắm.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 638 siêu thị và 117 trung tâm thương mại. Số lượng siêu thị thành lập mới 5 năm sau khi gia nhập WTO (2007-2011) so với giai đoạn 2002-2006 tăng hơn 20% (303/251 siêu thị) trong khi số trung tâm thương mại thành lập mới tăng hơn 72% (62/36 trung tâm).

Năm 2008, Việt Nam có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trên thế giới, năm 2009 Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 6, năm 2010 đứng thứ 14, năm 2011 xuống vị trí 23. Và 2012, Việt Nam không ở trong bảng xếp hạng Top 30.

Theo TTXVN