Trung Quốc muốn sử dụng các công cụ giá, cùng các công cụ chính sách khác để nhanh chóng thúc đẩy nhu cầu trong nước. (Nguồn: Bloomberg) |
Những dữ liệu kinh tế được công bố mới đây cho thấy nhiều bất ổn đang chờ đợi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi tiếp tục phải đối mặt với sự bùng phát của virus SARS-CoV-2, thi trường bất động sản ảm đạm, lạm phát đình trệ và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ phía Mỹ.
Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp - thước đo hiệu quả các hoạt động sản xuất, khai thác mỏ và tiện ích đã tăng 3,8% trong tháng Bảy, giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 3,9% trong tháng Sáu.
Doanh thu bán lẻ tăng 2,7% trong tháng Bảy, thấp hơn nhiều so với mức tăng dự kiến là 5,3% và giảm so với mức tăng 3,1% trong tháng Sáu. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Bảy ở nhóm 16-24 tuổi cũng lập kỷ lục 19,9%.
Ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế Trung Quốc của Macquarie Group, cho biết: “Tác động của đợt kích thích từ tháng Năm và tháng Sáu đã cho thấy hiệu quả yếu hơn dự kiến, khiến các nhà hoạch định chính sách phải tăng cường nới lỏng chính sách”.
Ông Hu nói thêm, thị trường bất động sản suy giảm đã gây áp lực đáng kể lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các nhà hoạch định chính sách buộc phải hạ thấp hơn nữa tỷ lệ thế chấp để ổn định lĩnh vực này.
Tăng trưởng đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ tháng Một đến tháng Bảy đã tăng lên 9,6% từ 9,3% trong 6 tháng đầu năm, nhờ vào chính sách thúc đẩy cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh và hỗ trợ tín dụng. Tuy nhiên, triển vọng này đã bị “lu mờ” bởi hoạt động đầu tư bất động sản, vốn đã giảm 6,4% trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Bảy.
Đầu tư vào tài sản cố định, công cụ để Bắc Kinh dựa trên đó để ngăn chặn rủi ro suy thoái, đã tăng 5,7% trong 7 tháng đầu năm, giảm so với mức tăng 6,1% trong 6 tháng đầu năm.
Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management phân tích: “Nhu cầu trong nước giảm do dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều thành phố và tâm lý hoang mang từ thị trường bất động sản. Những vấn đề của thị trường bất động sản đang trở nên tồi tệ hơn, khi việc xây dựng bị đình chỉ ở một số dự án khiến người mua nhà do dự khi mua nhà mới”.
Trước khi số liệu kinh tế được công bố hôm 15/8, PBOC đã cắt giảm lãi suất cơ sở cho vay trung hạn một năm (MLF) - lãi suất chính sách quan trọng, 10 điểm cơ bản xuống 2,75% từ 2,85% nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế.
Việc PBOC hạ lãi suất đang đi ngược lại xu hướng hiện nay của chính sách tiền tệ trên toàn cầu, khi các ngân hàng trung ương lớn đều đang trong chu kỳ thắt chặt để chống lại sự leo thang của lạm phát, bất chấp điều đó có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Ông Ding Shuang, chuyên gia kinh tế trưởng về kinh tế Trung Quốc của Ngân hàng Standard Chartered nhận định, việc cắt giảm lãi suất chính sách là một dấu hiệu cho thấy chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nới lỏng, nhưng cho biết mức tăng sẽ bị hạn chế vì nhu cầu yếu.
“Có thể đã đến lúc cần đánh giá lại tình hình kinh tế, vì thực tế đã không phục hồi lạc quan như các nhà lãnh đạo từng kỳ vọng", ông Ding Shuang cho hay.
Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đối mặt với các đợt bùng phát dịch bệnh mới và những lệnh hạn chế đi kèm. Điều này được cho là sẽ tiếp tục làm ảnh hưởng đến đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
| Kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi, bất chấp Covid-19 và nắng nóng kỷ lục Ngày 15/8, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy, sản lượng công nghiệp của nước này đã tăng ... |
| Covid-19 không còn cản đường du lịch Trung Quốc Người dân Trung Quốc dường như đã thích nghi với những hạn chế nghiêm ngặt vì Covid-19 của chính phủ và tiếp tục đi du ... |