📞

Vì sao Ukraine ‘chung thuỷ’ với xe tăng T-64 thời Liên Xô?

Lê Ngọc 13:45 | 21/04/2021
Được đưa vào trang bị cho Quân đội Liên Xô từ năm 1964, T-64 là một trong những thiết kế xe tăng từng được sản xuất hàng loạt nhưng lại ít được sử dụng rộng rãi nhất.

Xe tăng T-64 là một thiết kế mang tính cách mạng vào thời điểm đó, tích hợp một số tính năng không có ở bất kỳ đối thủ phương Tây nào trong suốt hơn 15 năm và được trang bị một pháo chính 125 mm với cơ cấu nạp đạn tự động, giúp giảm kíp xe xuống chỉ còn 3 thành viên.

Quân đội Ukraine hiện sở hữu một số lượng lớn xe tăng chiến đấu chủ lực T-64. (Nguồn: MWM)

T-64 - “nhỏ mà có võ"

Ukraine hiện là quốc gia duy nhất sở hữu xe tăng T-64 với số lượng đáng kể mặc dù Uzbekistan và CHDC Congo cũng trang bị một số lượng nhỏ. T-64 hiện đảm nhận vai trò xe tăng chiến đấu chủ lực của lực lượng vũ trang Ukraine.

Tính đến năm 1987, gần 25 năm sau khi bắt đầu sản xuất hàng loạt, khoảng 13.000 xe tăng đã được đưa vào phục vụ trong Quân đội Liên Xô.

T-64 rất nhỏ gọn với lớp giáp và vũ khí trang bị của xe tăng hạng nặng được tích hợp trên khung gầm nhỏ 38 tấn. Thiết kế mang tính cách mạng của T-64 được sử dụng làm cơ sở cho sự phát triển của xe tăng T-72 và T-80.

Tăng T-72 trước đây được sử dụng và xuất khẩu rộng rãi hơn nhiều, với giá thành rẻ hơn 40%; Tăng T-80 nặng hơn, sử dụng động cơ mới được tối ưu hóa tốt hơn với khí hậu khắc nghiệt.

Giống như T-80, T-64 chưa bao giờ được xuất khẩu trong thời Liên Xô và được dành riêng cho các lực lượng vũ trang của đất nước - mặc dù đồng nhiệm T-72 rẻ hơn của nó, đã chứng tỏ khả năng cao so với các xe tăng do phương Tây chế tạo đã được xuất khẩu.

Quân đội Ukraine thừa hưởng 2.100 chiếc T-64 từ Liên Xô, cùng với khoảng 1.000 chiếc T-72 và 300 tăng T-80, cũng như khoảng 3.000 tăng T-55 và T-62 cũ hơn.

Đáng chú ý, T-64 được đánh giá là vận hành kém hiệu quả hơn so với những chiếc kế nhiệm do nhu cầu bảo trì cao và đã bị các quốc gia kế thừa Liên Xô, ngoại trừ Ukraine và Uzbekistan, cho loại biên.

Với nền kinh tế và sức mạnh quân sự ngày càng suy giảm, trong khi đã lên kế hoạch tập trung vào sản xuất tăng T-80 mới sau khi kế thừa một nhà máy sản xuất xe tăng, cuối cùng, Ukraine buộc phải tiếp tục phụ thuộc nhiều vào T-64.

Cho đến nay, quốc gia này vẫn tiếp tục buộc phải "trông cậy" vào T-64, khi những chiếc T-80 được đưa vào sử dụng với số lượng tương đối nhỏ. Các kế hoạch tập trung vào T-80 và nhu cầu giảm bớt sự đa dạng của các đơn vị xe tăng, đã khiến Ukraine phải xuất khẩu nhiều T-72 trong những năm hậu Xô Viết.

Nâng cấp T-64, giải pháp hợp túi tiền

T-64 ngày nay chiếm số lượng lớn trong các đơn vị xe tăng Ukraine, ước tính khoảng 720 chiếc. Gần 600 chiếc T-64 khác hiện đang được dự trữ, cùng với khoảng 100 chiếc T-72 và 5 chiếc T-84 trong biên chế, trong đó T-84 là một phiên bản cải tiến của T-80 được sản xuất chủ yếu để xuất khẩu.

Quân đội Ukraine triển khai hiện đại hóa các đơn vị xe tăng, tập trung vào việc nâng cấp T-64, giải pháp thay thế rẻ hơn nhiều so với việc sản xuất những chiếc T-84 mới mà nước này không đủ khả năng tài chính.

Khoảng 100 chiếc T-64BM Bulat - một trong những biến thể T-64 cải tiến, được gắn bổ sung lớp giáp phản ứng nổ và thụ động, hệ thống phòng chống NBC, hệ thống ngăn chặn hỏa lực tự động và hệ thống điều khiển hỏa lực tương tự như của T-84, đang được đưa vào sử dụng.

T-64BM Bulat cũng được trang bị một động cơ 850 mã lực cải tiến, tuy nhiên, điều này không bù lại được hai yếu điểm do trọng lượng tăng thêm từ lớp giáp bổ sung khiến xe tăng hoạt động chậm chạp và tương đối khó điều khiển.

Các xe tăng T-64 còn lại trong biên chế là biến thể T-64BV.

Những chiếc T-64 đã chịu tổn thất đáng kể trong cuộc chiến chống lại quân nổi dậy do Nga hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine, và trong khi việc nâng cấp đã giúp cải thiện khả năng sống sót, tuổi của phương tiện đã hạn chế khả năng đương đầu với vũ khí chống tăng hiện đại.

Chúng được cho là kém hơn so với các xe tăng chiến đấu hiện đại như T-80BVM hoặc T-90M mới của Nga, những đối thủ mà các phương tiện của Ukraine có thể sẽ đối mặt trong trường hợp chiến sự leo thang.

(theo MWM)