Đầu tháng 10, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã lên tiếng cáo buộc Nga sử dụng năng lượng như một vũ khí chính trị. Đáp lại, Điện Kremlin tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đe dọa làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng trên thị trường năng lượng châu Âu.
Là một công cụ gây sức ép nhà nước, các biện pháp trừng phạt kinh tế không giống như một cuộc chiến tranh mà có lẽ gần hơn với một hình thức ngoại giao.
Việc sử dụng hoặc đe dọa trừng phạt kinh tế đang ngày càng gia tăng trong chính trị quốc tế. (Nguồn: Foreign Policy) |
Công cụ địa chính trị
Các quốc gia luôn sử dụng lá bài kinh tế như một công cụ địa chính trị. Vào thế kỷ XIX, kinh tế quốc tế hầu như tách rời khỏi chính trị quốc tế. Nhưng vào những năm 1920, Hội quốc liên (tổ chức liên chính phủ tiền thân của Liên hợp quốc) chính thức hồi sinh việc sử dụng vũ khí kinh tế chống lại các quốc gia vi phạm.
Chương 7 của Hiến chương Liên hợp quốc cho phép Hội đồng Bảo an áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các quốc gia đe dọa hoặc vi phạm hòa bình thế giới.
Cơ chế trừng phạt quốc tế đã trải qua nhiều giai đoạn chồng chéo trong suốt thế kỉ qua. Ban đầu, các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích phản ứng lại ý định hoặc hành động quá khích của một quốc gia, chẳng hạn như việc tăng cường sức mạnh quân sự hoặc thực sự xâm lược một quốc gia khác.
Do vậy, Hội quốc liên khi đó đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Italy khi các lực lượng của Mussolini xâm lược Abyssinia vào năm 1935.
Trong giai đoạn tiếp theo, những quan ngại về nhân đạo đã được chấp nhận như một “lý do” để thực hiện các biện pháp trừng phạt. Ví dụ, sự đàn áp của chính phủ đối với các nhóm tại một quốc gia có thể đe dọa kích hoạt các hiệu ứng “bên thứ ba” như là một cuộc khủng hoảng người tị nạn. Đây là cơ sở pháp lý cho các lệnh trừng phạt kinh tế của Liên hợp quốc đối với Rhodesia trong những năm 1970 và Nam Phi trong những năm 1980.
Sau đó, một số người coi việc “thay đổi chế độ” là mục đích chính đáng để thực hiện các biện pháp trừng phạt. Như Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Tony Blair đã lập luận trong một bài phát biểu tại Chicago vào năm 1999, “sự lan tỏa các giá trị của chúng ta giúp chúng ta an toàn hơn”.
Sự phát triển quan trọng nhất gần đây trong cơ chế trừng phạt quốc tế là việc xử phạt các cá nhân và thực thể “được chỉ định đặc biệt”. Những người ủng hộ lập luận rằng, các biện pháp trừng phạt được nhắm đến các mục tiêu cẩn thận như vậy sẽ giới hạn hình phạt đối với các thủ phạm của việc rửa tiền và các hành vi đáng ngờ khác, do vậy, tránh gây hại cho phần dân còn lại của một quốc gia.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt này thường nằm ngoài phạm vi hoạt động của Liên hợp quốc, và do đó, thường chỉ được áp đặt một cách đơn phương bởi các quốc gia hoặc các nhóm quốc gia hùng mạnh về kinh tế.
Gây tranh cãi
Không có gì ngạc nhiên khi nước Mỹ, bá chủ đồng USD trên thế giới, đã đi tiên phong trong hình thức xử phạt này. Liên minh châu Âu (EU) đã đi theo sự dẫn dắt của Mỹ.
Nổi tiếng nhất trong số các hình phạt cá nhân này là Đạo luật Magnitsky, được đặt theo tên của luật sư người Nga Sergei Magnitsky, người đã cáo buộc các quan chức thuế và thực thi pháp luật Nga lừa đảo 230 triệu USD đối với Hermitage Capital Management - một công ty đầu tư mà ông đang tư vấn.
Mỹ đã thông qua Đạo luật Magnitsky vào năm 2012 với ý định trừng phạt những cá nhân chịu trách nhiệm. Đạo luật chịu trách nhiệm về nhân quyền toàn cầu Magnitsky 2016 rộng hơn “cho phép tổng thống áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và từ chối nhập cảnh vào Mỹ đối với bất kỳ người nước ngoài nào được xác định là tham gia hoặc lạm dụng nhân quyền”.
Các cường quốc phương Tây khác - bao gồm Vương quốc Anh (2017-18), Canada (2017) và EU (2020) - sau đó cũng đã thông qua luật Magnitsky và hàng trăm cá nhân và công ty trên khắp thế giới hiện đang bị trừng phạt theo các luật này.
Tuy vậy, liệu lệnh trừng phạt này có chính xác, hợp lý và hiệu quả?
Đối với tư pháp, việc gia tăng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu gần đây chủ yếu dựa trên luật pháp trong nước, không phải luật pháp quốc tế, và chỉ phản ánh các chuẩn mực đã được thống nhất của một bộ phận cộng đồng quốc tế.
Hơn nữa, những hình phạt như vậy thường được áp dụng đối với những cá nhân và tổ chức có ít lời giải thích nhất, và họ không bị xét xử hoặc bị kết án về bất kỳ hành vi phạm tội nào. Do đó, đối với nhiều người, những lệnh trừng phạt này chỉ đơn giản giống như một biểu hiện của quyền lực.
Hiệu quả của các biện pháp trừng phạt cũng bị nghi ngờ. Các biện pháp trừng phạt cũ có thể sẽ làm phát sinh các cuộc chiến tranh trừng phạt trừ khi các biện pháp này chỉ giới hạn ở các quốc gia không thể trả đũa.
Câu hỏi về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế có lẽ là câu hỏi khó trả lời nhất vì không có một biện pháp thành công nào được nhất trí.
Nhiều người cho rằng đây là một cách tương đối ít tốn kém để mang lại sự thay đổi chế độ có lợi về mặt đạo đức hoặc những thay đổi về hành vi của một chế độ. Điều này có thể đúng trong một số trường hợp.
Nhưng rất nhiều bằng chứng cho thấy các biện pháp trừng phạt kinh tế chỉ có tác dụng như vậy khi can thiệp quân sự - có nghĩa là chúng thường là một biện pháp đi kèm với chiến tranh hơn là một biện pháp thay thế cho nó. Vì vậy, các nước cũng cần lưu ý với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt vì lý do đạo đức.
*Robert Skidelsky hiện đang là Giáo sư Danh dự về Kinh tế Chính trị tại Đại học Warwick (Anh). Ông còn là tác giả của cuốn tiểu sử 3 tập về John Maynard Keynes - nhà kinh tế học người Anh, nổi tiếng với hệ thống lý luận kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng lớn tới kinh tế học hiện đại và chính trị cũng như các chính sách tài chính của nhiều chính phủ.