Ngòi nổ dẫn đến sự đổ vỡ chủ yếu là bất đồng gay gắt giữa Mỹ và Ấn Độ xoay quanh đề xuất về một Cơ chế tự vệ đặc biệt (Special safeguard Mechanism), một đề xuất cho phép các nước đang phát triển tăng thuế nhập khẩu đối với hàng nông sản trong trường hợp hàng nông sản nhập khẩu ồ ạt vào một thị trường hoặc giá cả giảm rút mạnh. Theo lời của Ngoại trưởng Brazil thì “đây là một thất bại đau đớn, một thất bại thực sự đối với kinh tế thế giới”. Cao ủy phụ trách về thương mại của EU Peter Mandelson cho rằng “các nước đang phát triển sẽ chịu tác động nhiều nhất trước thất bại này” và “kinh tế thế giới sẽ mất đi một khoản 130 tỷ USD tiết kiệm được chỉ riêng trong việc cắt giảm thuế quan”.
Ấn Độ và Indonesia là hai nước lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ nhất cho cơ chế này, cho rằng nó sẽ tác động đến đời sống của hàng triệu nông dân nước họ một khi thị trường nông sản của họ được mở cửa. Mỹ thì lo ngại bị mất thị trường khi họ cắt bỏ trợ cấp đối với hàng nông sản. Một số nước đang phát triển ở Mỹ Latinh như Uruguay và Costa Rica cũng e ngại vì cơ chế này sẽ hạn chế hàng nông sản của họ thâm nhập các thị trường chủ yếu và ảnh hưởng đến thực trạng thương mại hiện nay.
Tại vòng đàm phán lần này vẫn nổi lên sự khác biệt giữa các nước giàu - nghèo, giữa các nhà nhập và xuất khẩu. Các nước tham gia đàm phán có phản ứng khác nhau. Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ và EU vì những tính toán lợi ích riêng, không chịu cắt giảm trợ cấp nông sản. Nhật Bản phê phán Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế lớn đang trỗi dậy, có ảnh hưởng ngày càng lớn trong nền kinh tế toàn cầu, không sẵn sàng gánh vác trọng trách của mình trong WTO. Mỹ, EU cũng bất đồng với Trung Quốc và Ấn Độ về quy chế “đối xử linh hoạt đối với các nước đang phát triển trong việc cắt giảm thuế quan hàng công nghiệp”.
Theo các nhà phân tích, thất bại của vòng đàm phán lần này sẽ làm tổn thương đến tình cảm của giới doanh nghiệp, làm cho tư duy bảo hộ mậu dịch gia tăng và xu hướng đi vào đàm phán, ký kết các FTA song phương và khu vực ngày càng gia tăng. Thất bại này cũng đặt ra những nghi ngại về vị trí và vai trò của WTO trong thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu và khả năng của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, rộng lớn hơn như thay đổi khí hậu và khủng hoảng lương thực.
“Đây là một thất bại rất đau xót và thực sự là một bước thụt lùi của nền kinh tế thế giới trong khi chúng ta trông đợi những điều ngược lại”. Đó là nhận định của ng Peter Mandelson sau khi kết thúc đàm phán. Các Bộ trưởng Thương mại của Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ cũng chia sẻ quan điểm thất vọng này. Thế là các thành viên của WTO sẽ không còn đủ thời gian để hoàn thành các cuộc đàm phán trong năm 2008. “Rất có thể vòng đàm phán Doha sẽ bị lãng quên trong vài năm tới do các cuộc bầu cử và những thay đổi Chính phủ sắp tới tại Mỹ, Ấn Độ và Brazil”, nhiều nhà phân tích e ngại viễn cảnh này.
Phạm Bình Mãn (từ Brunei)