Con số này chỉ cao hơn thu nhập của người địa phương làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản ở Campuchia, Lào và Myanmar.
Theo đó, thu nhập của quản lý người Việt chỉ bằng 23% thu nhập của người Singapore và khoảng 60% thu nhập của đồng cấp người Thái Lan và Trung Quốc làm việc cho các công ty Nhật ở các nước tương ứng. Một công nhân người Việt Nam chỉ nhận được 4.025 USD trong năm 2016, dù họ làm trong những công ty hàng đầu thế giới của Nhật Bản. Con số này chưa bằng 1/2 thu nhập của công nhân làm việc cho doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc.
Tại sao có sự chênh lệch lớn như vậy? Theo Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Vũ Thành Tự Anh, Việt Nam vẫn nằm ở đáy của “đường cong nụ cười” sau nhiều năm có sự hiện diện của các tập đoàn hàng đầu thế giới. TS. Vũ Thành Tự Anh cho biết, các doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam chỉ đang thực hiện khâu gia công, lắp ráp, sản xuất. Và khi những doanh nghiệp này còn tiếp tục hoạt động trong những khâu mang về giá trị gia tăng thấp, người công nhân không thể nhận được lương cao.
Ở một góc nhìn khác, nguyên nhân được cho là do năng suất lao động quá thấp. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) xếp hạng năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á - Thái Bình Dương.
Nhận định về vấn đề này, một số chuyên gia lại có ý kiến rằng, lỗi không hoàn toàn do người công nhân. Một chiến lược quy hoạch đào tạo nghề, hướng nghiệp và dự báo ngành nghề cần phải được xây dựng và thực hiện nghiêm túc.
Trên thực tế, đây là bài toán tổng hợp với nhiều ẩn số, cần được giải một cách đồng bộ. Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam, ông Atsusuke Kawada cho rằng, Việt Nam vẫn là thị trường có chi phí nhân công rẻ so với các nước khác. Đây cũng là yếu tố thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam. Tuy vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn nhìn nhận chi phí nhân công ở Bangladesh, Lào, Philippines và Campuchia hấp dẫn hơn so với Việt Nam. Ông Atsusuke Kawada cũng cho biết, họ bắt đầu gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tuyển dụng lao động tại Việt Nam do phải chi trả lương nhiều hơn và đặc biệt là khan hiếm nhân lực có trình độ.