📞

Viêm gan - Không thể coi thường

14:13 | 01/08/2013
Virus viêm gan - "kẻ giết người thầm lặng" đang là mối hiểm hoạ thật sự cho con người. Nó âm thầm gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của hàng triệu người trên thế giới. Đó cũng là lý do mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lấy ngày 28/7 hàng năm là Ngày phòng chống viêm gan thế giới.
Ảnh minh họa.

Cụ thể hóa lời kêu gọi của WHO, đồng thời hưởng ứng ngày phòng chống viêm gan thế giới, năm 2012 là năm đầu tiên phong trào toàn dân chung tay đẩy lùi virus viêm gan được phát động tại Việt Nam trên quy mô cả nước. TS Đinh Quý Lan - Chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam, người dân cần nhận thức được sự nguy hiểm của virus viêm gan để có những hành động cần thiết và kịp thời đẩy lùi căn bệnh này.

Mối hiểm hoạ từ viêm gan

Chứng minh khoa học cho thấy virus viêm gan có thể gây bệnh cho mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, khả năng lây lan không có giới hạn, trong đó nguy hiểm nhất là virus viêm gan B và virus viêm gan C. Đặc biệt, các virus viêm gan cùng với các bệnh hiểm nghèo như HIV/AIDS, lao phổi, sốt rét làm gia tăng tỉ lệ tử vong ở nhiều quốc gia trên thế giới. Số người bị xơ gan ở nước ta là do virus viêm gan B và virus viêm gan C chiếm tới 80%.

Trong khi đó, việc điều trị viêm gan virus lại gặp rất nhiều khó khăn vì thuốc đặc trị rất đắt tiền, khả năng kháng thuốc và tái phát sau khi ngừng thuốc cao. Theo tính toán của các bác sĩ, mỗi bệnh nhân viêm gan virus B phải chi phí điều trị từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng 1 tháng, mỗi bệnh nhân viêm gan virus C phải chi phí từ 5 - 15 triệu đồng/tháng. Đây thực sự là một khó khăn rất lớn đối với nhiều bệnh nhân viêm gan virus, đặc biệt là các bệnh nhân nghèo.

Cùng chung tay phòng tránh

Các nước vẫn đang cố gắng ngăn chặn virus viêm gan - nguyên nhân có thể gây ra đại dịch viêm gan dù còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Tại Việt Nam, những năm trở lại đây, phong trào phòng chống viêm gan diễn ra mạnh mẽ cùng với sự kết hợp của nhiều ban bộ ngành nên bước đầu đã đạt được một số thành tựu.

Có thể kể đến, trong thập kỷ qua, hơn 50% số trẻ sơ sinh được tiêm vaccine phòng viêm gan B, do vậy tỷ lệ nhiễm virus viêm gan đã giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, kỹ thuật ghép gan đã được phát triển ở một số bệnh viện lớn. Từ năm 2012, phong trào phòng chống virus viêm gan của Hội Gan Mật Việt Nam đã khám và xét nghiệm cho hàng ngàn lượt bệnh nhân, giúp người dân phát hiện bệnh kịp thời và có những biện pháp điều trị thích hợp.

Tuy nhiên tình trạng người mắc bệnh viêm gan virus cấp, mạn tính dẫn đến xơ gan ngày một gia tăng. Nhiều gia đình cả nhà đều bị viêm gan virus; số người bệnh ở nông thôn, ở vùng sâu, vùng xa, phần đông không có điều kiện chữa bệnh, hơn nữa nhiều người bệnh chưa nhận thức đầy đủ những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này, dẫn đến không tuân thủ đầy đủ hướng dẫn điều trị của các bác sĩ...

TS Định Quy Lan cho biết mỗi người đều có thể chung tay góp sức bằng các việc làm cụ thể như: tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức được sự nguy hiểm của dịch, tự nguyện và chủ động các biện pháp phòng, tránh sự lây lan của căn bệnh này.

My Bùi

Những con số biết nói

Theo ước tính của WHO, trên thế giới có khoảng 2 tỷ người bị nhiễm virus viêm gan, trong đó có khoảng 500 triệu người bị viêm gan và hàng năm có trên 1 triệu người chết do các virus viêm gan gây ra.

Tại Việt Nam, hiện có 20 triệu người bị lây nhiễm virus viêm gan B và virus viêm gan C, trong đó có hơn 8 triệu người bị viêm gan virus mạn tính. Theo thống kê, 20% dân số nhiễm virus viêm gan B và nước ta là nước nhiễm viêm gan C cao thứ 2 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Số người bị xơ gan ở nước ta do virus viêm gan B và virus viêm gan C chiếm tới 80%. Hàng năm có hàng chục nghìn trường hợp tử vong do xơ gan nặng hoặc ung thư gan.

Một năm chi phí điều trị bệnh từ hai loại virus viêm gan lên đến 660 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tuổi thọ của người bệnh cũng bị giảm sút.

Tổ chức Y tế thế giới WHO nhận định Việt Nam là 1 trong 9 quốc gia thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương có bệnh viêm gan virus ngày càng tăng.