Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể đề xuất rút quân khỏi tỉnh Kursk như một yếu tố thương lượng với Nga. (Nguồn: The New York Times). |
Động thái này được xem là một phần trong kế hoạch của Kiev nhằm khép lại "chiến dịch Kursk", đồng thời, tăng cường lợi ích chính trị và giành thế chủ động trong các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow.
Trong bối cảnh này, Tổng thống Zelensky có thể đề xuất rút quân khỏi tỉnh Kursk như điều kiện thương lượng với Nga, đưa đến một kế hoạch đàm phán hòa bình từ phía Ukraine.
Theo Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb, nhiệm kỳ của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ mở ra một giai đoạn mới trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Ông Stubb hy vọng chính quyền mới của Mỹ sẽ đưa ra kế hoạch cụ thể và tôn trọng chủ quyền của Ukraine. Trước đó, ông Stubb cũng đã phản đối ý tưởng áp dụng "mô hình hòa bình Phần Lan" cho cuộc xung đột này.
Trong khi đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho rằng ông Donald Trump có thể sẽ tìm kiếm hòa bình ở Ukraine nhằm tách Nga ra khỏi Trung Quốc, qua đó làm suy yếu mối quan hệ của Bắc Kinh với các cường quốc khác.
Theo ông Vucic, động thái này sẽ đem lại khó khăn cho Serbia, vì Washington đang xem Trung Quốc là đối thủ chiến lược toàn cầu.
Bên cạnh đó, ngày 6/11, Ngoại trưởng 10 quốc gia bao gồm Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố chung bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về việc Triều Tiên điều quân tới Nga.
Các nhà ngoại giao cảnh báo sự hỗ trợ trực tiếp của Bình Nhưỡng cho chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine có thể "mở rộng nguy hiểm" cho cuộc xung đột.
Đồng thời, tuyên bố chung cũng lo ngại về khả năng Nga chuyển giao công nghệ hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo cho Triều Tiên, kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng hỗ trợ chiến dịch quân sự của Moscow.