Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến của Na Uy (NASAMS) sẽ được chuyển đến Ukraine vào mùa Xuân này. (Nguồn: Wikipedia) |
Ngày 12/3, Tân Tổng thống Cộng hòa Czech Petr Pavel đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky để thảo luận về các vấn đề song phương và vấn đề Kiev hội nhập vào Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Pavel khẳng định, Czech sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga.
Cùng ngày, thăm Kiev, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjorn Arild Gram thông báo, nước này muốn gửi thêm hệ thống phòng không cho Ukraine và khẳng định, Oslo sẽ cung cấp hỗ trợ chừng nào quốc gia Đông Âu đang chìm trong xung đột còn thấy cần.
Theo đó, quân đội Ukraine sẽ nhận thêm vũ khí của Na Uy, trong khi Oslo đã lên kế hoạch chuyển giao hai tổ hợp phóng của Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến của Na Uy (NASAMS) cho Kiev vào mùa Xuân.
Na Uy cũng lên kế hoạch hỗ trợ 7 tỷ USD (6,58 tỷ Euro) cho Ukraine trong 5 năm tới.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi Na Uy là "đồng minh châu Âu đặc biệt" về hỗ trợ quân sự của Kiev và các quốc gia khác nên noi gương Oslo trong việc viện trợ này.
Theo nhà lãnh đạo, nhờ có Oslo, Kiev đã mở rộng được hệ thống phòng không, pháo binh và các mặt khác. Hai bên cũng đã thảo luận các biện pháp nhằm gúp cuộc tấn công phòng thủ của Ukraine vào mùa Xuân này được thành công.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn với báo Bild am Sonntag, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi Đức nhanh chóng mở rộng việc cung cấp đạn dược cho Kiev. Theo ông, việc thiếu đạn dược đang là vấn đề "số 1" trong xung đột Nga.
Cũng theo nhà ngoại giao Ukraine, ông không kỳ vọng Kiev có thể nhận được các máy bay chiến đấu của phương Tây trong tương lai gần, song kêu gọi phương Tây lúc này nên bắt tay đào tạo phi công cho quốc gia Đông Âu để không lãng phí thời gian khi quyết định cung cấp máy bay được đưa ra.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Ukraine đồng thời kêu gọi Đức theo gương các nước khác đào tạo phi công cho Ukraine và đó sẽ là "một thông điệp rõ ràng về cam kết chính trị".
Liên quan việc viện trợ vũ khí cho Ukraine, bất chấp áp lực từ các nước châu Âu khác, cùng ngày, Bộ Quốc phòng Thụy Sỹ đã quyết định loại bỏ và không đưa các hệ thống tên lửa phòng không Rapier do Anh sản xuất đến Ukraine.
Quân đội Thụy Sỹ đã ngừng hoạt động 60 hệ thống phòng không Rapier mua của Anh vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, song các hệ thống này đã được sửa chữa và thậm chí đã được nâng cấp năm 2017.
Quốc gia Trung Âu dự định tiếp tục tuân thủ lệnh cấm cung cấp vũ khí cho các nước tham gia xung đột, dù có quy định năm 2006 nói rằng, tất cả hệ thống vũ khí do nước ngoài sản xuất, bị quân đội loại bỏ, phải được bán cho nước sản xuất, trong trường hợp này là Anh.
Cựu Tổng biên tập báo Allgemeine Schweizerische Militaerzeitschrift (ASMZ) Peter Schneider bình luận: “Tên lửa tuy cũ nhưng chưa lỗi thời. Chúng có thể được sử dụng rất hiệu quả để chống lại các mục tiêu bay thấp như máy bay không người lái. Kiev có thể sử dụng các hệ thống này để bảo vệ cơ sở hạ tầng”.