Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc. (Ảnh: Mạnh Thắng) |
Đến dự chương trình có ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Mạnh Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ; ông Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, cùng đại diện từ các cơ quan, viện nghiên cứu, đại học, tổ chức trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ là một sáng kiến mang tính chủ trương của lãnh đạo hai nước, khẳng định vai trò quan trọng của Trung tâm khi đặt tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Trung tâm đã thực sự trở thành cầu nối, địa chỉ tin cậy để xây dựng mạng lưới về nghiên cứu Ấn Độ tại Việt Nam; tổ chức nhiều chương trình, hội thảo liên quan đến các vấn đề truyền thống, hiện đại, kinh tế, văn hoá, đặc biệt là các vấn đề mới đặt ra trong bối cảnh hiện nay như chuyển đổi số, phát triển xanh.
Ngày 15/9/2014, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thành lập, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee. |
Hiện Ấn Độ phấn đấu vươn mình trở thành cường quốc kinh tế và khoa học, trong khi Việt Nam cũng đang chuẩn bị về mọi mặt để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đó chính là điểm gặp gỡ để hai quốc gia tăng cường thắt chặt, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác truyền thống lâu đời, chia sẻ văn hoá, con người và những thành tựu phát triển mới nhất, đặc biệt là kinh nghiệm phát triển, nhằm đóng góp vào sự phát triển toàn cầu, nhất là tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya khẳng định niềm tin vào triển vọng quan hệ song phương. (Ảnh: Mạnh Thắng) |
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu nổi bật mà Trung tâm đã đạt được, thể hiện qua nhiều sản phẩm chất lượng cao, trở thành nguồn thông tin quan trọng về Ấn Độ tại Việt Nam, cũng như các hội nghị, hội thảo, bài giảng liên quan đến quan hệ song phương.
Việc nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016 là cột mốc quan trọng, giúp Ấn Độ trở thành quốc gia thứ ba thiết lập mức quan hệ cao nhất với Việt Nam. Hiện hai nước đang đứng trước giai đoạn phát triển mới khi theo đuổi tầm nhìn Ấn Độ 2047 và Việt Nam 2045 nhằm trở thành các quốc gia phát triển. Ông Sandeep Arya tin rằng trong giai đoạn này, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Lễ trao tặng bằng khen và kỷ niệm chương dành cho các đại biểu. (Ảnh: Xuân Sơn) |
Sau Lễ kỷ niệm, Hội thảo quốc tế Đối tác chiến lược toàn diện hướng tới tầm nhìn phát triển Việt Nam 2045 - Ấn Độ 2047 diễn ra với 9 phần tham luận của các học giả trong và ngoài nước. Hội thảo là minh chứng thực tiễn sinh động cho sự hợp tác thực chất và hiệu quả giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các đối tác Ấn Độ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, đây là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá những thành tựu đã đạt được trong quan hệ song phương sau dấu mốc nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Hiện hai nước đang cùng chia sẻ tầm nhìn vì hòa bình, thịnh vượng và người dân, trong khi Việt Nam xác định sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, thì Ấn Độ cũng kỷ niệm 100 năm lập nước vào năm 2047 với mục tiêu chiến lược thế kỷ.
Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Dương Trung Ý phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Xuân Sơn) |
Việt Nam và Ấn Độ sẽ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2026. Theo đó, Thủ tướng hai nước đã đề ra Tầm nhìn chung về hòa bình, thịnh vượng và người dân để định hướng phát triển cho quan hệ song phương trong tương lai.
Hội thảo tạo điều kiện giúp các đại biểu cùng chia sẻ, thảo luận và đánh giá những kết quả đã đạt được trong chặng đường đã qua, những khó khăn, thách thức trước mắt và lâu dài, nhằm xác định nền tảng vững chắc, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh, xanh và bền vững giúp hai nước hướng tới mục tiêu 100 năm lập quốc.
Đây là cơ hội quý để các đại biểu trao đổi về những giải pháp khả thi, thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và Ấn Độ trong toàn diện các lĩnh vực, trước hết là các trụ cột như chính trị, kinh tế, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường.
Hội thảo là dịp để các đại biểu trao đổi về những giải pháp khả thi, thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và Ấn Độ trong toàn diện các lĩnh vực. (Ảnh: Xuân Sơn) |
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có lịch sử hơn 2.000 năm kể từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam. Sang thế kỷ XX, nhờ những nỗ lực và cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru, quan hệ song phương bước sang giai đoạn mới, đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định là “trong sáng như bầu trời không gợn mây”.
Năm 1954, Thủ tướng Jawaharlal Nehru là nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên thăm Việt Nam ngay sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Năm 1958, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh thực hiện chuyến thăm Ấn Độ. Người từng phát biểu về quan hệ hai nước “nở rộ dưới bầu trời thanh bình”. Những bước đi tiên phong xuất phát từ tình bạn trong sáng, chân thành giữa các bậc tiền nhân lập quốc đã đặt nền móng vững chắc và tiếp tục có sức ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong giai đoạn hiện nay.