📞

Việt Nam-Ấn Độ trông đợi mô hình hợp tác nào hậu dịch Covid-19?

00:15 | 13/06/2020
TGVN. Khi Việt Nam muốn đẩy mạnh hơn nữa sản xuất và xuất khẩu, Ấn Độ có thể là nguồn cung vải và sợi chất lượng cho Việt Nam, giúp thu hẹp khoảng cách, thậm chí là nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.    
Các diễn giả tham dự Hội nghị giao thương trực tuyến “Việt Nam - Ấn Độ: Mô hình hợp tác mới trong hoàn cảnh Covid 1" ngày 12/6.

Ngày 12/6 diễn ra Hội nghị giao thương trực tuyến “Việt Nam - Ấn Độ: Mô hình hợp tác mới trong hoàn cảnh Covid 19” do Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp tổ chức với Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (Assocham) và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tại các đầu cầu Hà Nội - New Delhi - Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho rằng việc hai nước thiết lập được đường bay thẳng nối các trung tâm kinh tế của nhau là một lợi thế cho phát triển giao thương, sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế. Bước tiếp theo cần hướng tới là mở các tuyến hàng hải trực tiếp, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa giữa hai nước.

Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết, Việt Nam đang xem xét việc cấp phép cho các ngân hàng Ấn Độ được mở chi nhánh tại Việt Nam, cấp visa dài hạn hơn cho doanh nghiệp Ấn Độ sang tìm hiểu cơ hội kinh doanh và du lịch tại Việt Nam.

Trong khi đó, theo Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma, đại dịch Covid-19 là dịp để hai bên tìm kiếm những cơ hội mới nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, nhất là trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi.

Nhà ngoại giao Ấn Độ đánh giá thị trường Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng với doanh nghiệp Ấn Độ vốn có thế mạnh trong các lĩnh vực dược phẩm, thép và nông nghiệp. Ngoài ra, Ấn Độ cũng hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm hiểu và cân nhắc đầu tư tại thị trường Ấn Độ nhiều hơn thời gian tới.

Chia sẻ tại Hội nghị, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến cơ hội của ngành dệt may Ấn Độ, đặc biệt trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Ấn Độ với ngành công nghiệp xơ sợi, dệt vải rất phát triển, có thể sản xuất ra hầu hết các loại vải, nguyên phụ liệu ngành may mặc hiện có trên thị trường và hiện đang nằm trong nhóm ba nước cung cấp hàng dệt may hàng đầu thế giới.

Khi Việt Nam muốn đẩy mạnh hơn nữa sản xuất và xuất khẩu, Ấn Độ có thể là nguồn cung vải và sợi chất lượng cho Việt Nam, giúp thu hẹp khoảng cách, thậm chí là nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây chính là thị trường để ngỏ mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực sợi, dệt Ấn Độ Việt Nam cần trao đổi khai thác.

Ấn Độ có thể là nguồn cung vải và sợi chất lượng cho Việt Nam khi Việt Nam muốn đẩy mạnh hơn nữa sản xuất và xuất khẩu. Ảnh chụp nhà máy sợi ở Coimbatore, bang Tamil Nadu. (Nguồn: Nikkei)

Trong năm 2019, Ấn Độ nhập khẩu dệt may và nguyên phụ liệu xơ sợi khoảng 7,6 tỷ USD nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ vào khoảng 450 triệu USD (chiếm khoảng 6% tổng giá trị nhập khẩu của ngành may Ấn Độ); ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ các sản phẩm dệt may, nguyên phụ liệu và bông cũng đạt khoảng 450 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam.

Tổng quy mô của ngành dệt may Ấn Độ đạt khoảng 140 tỷ USD với thị trường nội địa 100 tỷ USD và xuất khẩu trị giá 40 tỷ USD sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành dệt may của Việt Nam thâm nhập thị trường Ấn Độ thời gian tới.

Đồng thời, quy mô tổng thể của ngành dệt may Việt Nam vào khoảng 45 tỷ USD cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may như bông, sợi, hàng may sẵn và vải.

Hội thảo trực tuyến với chủ đề nằm trong chuỗi 5 sự kiện giao thương trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ nhằm tìm ra mô hình hợp tác kinh tế phù hợp trong trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn sự hợp tác toàn cầu.

Hội thảo tập trung vào các chủ đề: tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Ấn Độ và Việt nam; cách thức để vượt qua khủng hoảng; vấn đề chấp nhận tình trạng bình thường mới, cơ hội hợp tác kinh doanh giữa hai nước sau khi kiểm soát được dịch bệnh, giải quyết các rào cản để khuyến khích thương mại đầu tư…