📞

Việt Nam - Ấn Độ: Viết tiếp câu chuyện thành công

09:10 | 06/07/2017
Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh diễn ra trong thời điểm cả hai nước kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ và 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược. Những cuộc gặp gỡ, sẻ chia chân tình với sự tiếp đón chu đáo, trọng thị của nước bạn đã góp phần làm nên thành công của chuyến thăm và vững thêm niềm tin  về tương lai quan hệ hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc Hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj; chào xã giao Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, tiếp Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Bộ trưởng Tài chính Arun Jaitley; dự và phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Delhi lần thứ chín.

Kết thúc chuyến thăm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo Times of  India, Ấn Độ. Báo TG&VN xin giới thiệu bài phỏng vấn tới độc giả.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari tại New Delhi, ngày 4/7/2017. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ)

Xin Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam nhìn nhận thế nào về Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và các sáng kiến để thúc đẩy hợp tác với các nước Đông Nam Á?

Việt Nam ủng hộ chính sách “hướng Đông” Ấn Độ khởi xướng năm 1992 và chuyển sang giai đoạn hai với tên gọi “Hành động hướng Đông” năm 2014.

Tại Đối thoại Dehli lần thứ chín, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: ASEAN và Ấn Độ sẽ tạo dựng một không gian phát triển năng động về kinh tế dựa trên sự kết nối chặt chẽ về hạ tầng, kết nối số và kết nối hàng hải, trao đổi thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân, hợp tác hiệu quả để tranh thủ cơ hội, ứng phó với các thách thức, và là nhân tố trung tâm thúc đẩy xây dựng một cấu trúc khu vực mở, cân bằng, dựa trên luật lệ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hợp tác ASEAN - Ấn Độ sẽ là động lực quan trọng của câu chuyện thành công về “Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương”.

Đây là bước chuyển phù hợp với tình hình khu vực và Ấn Độ đang dần khẳng định vai trò của mình. Chính sách “Hành động hướng Đông” thể hiện sự sẵn sàng của Ấn Độ trong việc đóng vai trò chiến lược lớn hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua việc làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác ở khu vực. Về mặt kinh tế, hợp tác với khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ hỗ trợ Ấn Độ tiếp cận với khu vực phát triển năng động nhất thế giới để hỗ trợ cho mục tiêu duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao hiện nay. Chính sách “Hành động Hướng Đông” không chỉ giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh của Ấn Độ, khai thác sự năng động của các nền kinh tế trong khu vực mà còn góp phần vào ổn định và an ninh khu vực. Việt Nam chia sẻ với Ấn Độ về một trật tự khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế, hướng tới một cấu trúc an ninh khu vực ổn định, cân bằng; tạo các cơ hội để hội nhập và phát triển.

Chúng tôi đánh giá cao Ấn Độ gần đây đã đưa ra nhiều sáng kiến, hành động thiết thực nhằm tăng cường hợp tác mọi mặt với khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung; trong đó có thể kể đến việc thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề an ninh, ổn định ở khu vực; đưa ra các sáng kiến nhằm tăng cường kết nối cứng, kết nối mềm, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN với cam kết cho vay ưu đãi 1 tỷ USD để tăng cường kết nối, góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở khu vực. Chúng tôi mong Ấn Độ tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa những sáng kiến này, có các hoạt động hợp tác cụ thể, thực chất và hiệu quả hơn nữa với ASEAN. Với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2015-2018, Việt Nam sẽ phối hợp tích cực với Ấn Độ và ASEAN-Ấn Độ để thúc đẩy các sáng kiến hợp tác này.

Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết những biện pháp để tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ?

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là mối quan hệ hữu nghị truyền thống có bề dày lịch sử lâu đời. Đó là mối quan hệ đặc biệt dựa trên nền tảng của sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ lợi ích và gắn với lịch sử giao lưu thương mại, văn hóa và tôn giáo từ hàng ngàn năm. Ngày nay, quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ đã và đang phát triển tích cực, toàn diện về mọi mặt từ chính trị - đối ngoại, quốc phòng - an ninh đến kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - giáo dục, giao lưu nhân dân; sự tin cậy chính trị ngày càng được củng cố và tăng cường.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ)

Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj, chúng tôi đã trao đổi về các biện pháp cụ thể hóa các thỏa thuận cấp cao đã đạt được, tạo khuôn khổ ổn định và thuận lợi đưa quan hệ hai nước phát triển thực chất hơn nữa, không chỉ về song phương mà còn trên các diễn đàn khu vực, quốc tế quan trọng mà hai bên là thành viên.

Về hợp tác chính trị - ngoại giao, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao và các cấp; phát huy hiệu quả và tổ chức họp định kỳ các cơ chế hợp tác đã được thiết lập; phối hợp triển khai các hoạt động kỷ niệm năm Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ 2017 tại mỗi nước.

Ngày 5/7 tại Thủ đô New Delhi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Bàn tròn doanh nghiệp do Liên đoàn các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ phối hợp với Đại sứ quán Việt nam tại Ấn Độ phối hợp tổ chức. Đại diện của hơn 20 doanh nghiệp hàng đầu của Ấn Độ như TATA, ONG Videsh Ltd, Phamexcil India, Wipro Ltd, Escorts Ltd, ADANI, Prime Media...đã tham dự. Trong thời gian thăm Ấn Độ,

Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại New Dehli.

Với mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD Mỹ vào năm 2020, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư hai nước cần chú trọng việc tổ chức định kỳ họp cơ chế Tiểu ban Hỗn hợp về Thương mại cũng như các hoạt động thúc đẩy xúc tiến đầu tư; khuyến khích doanh nghiệp hai nước hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm. Đặc biệt, Chính phủ hai nước cần tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư hai chiều; phối hợp triển khai hiệu quả cũng như nỗ lực đàm phán hoàn tất ký kết các Hiệp định Thương mại khu vực mà hai nước cùng là thành viên.

Hợp tác trong các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như năng lượng, khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu, y tế, nông nghiệp… cần tiếp tục được khai thác song song với việc tìm kiếm khả năng hợp tác mới, phù hợp với xu thế và mục tiêu phát triển của hai nước. Các sáng kiến kết nối khu vực về hạ tầng cứng và hạ tầng số cần được triển khai hiệu quả, tạo cơ sở thuận lợi cho hợp tác thương mại và trao đổi thông tin giữa hai nước.

Trên bình diện đa phương, hai bên tăng cường phối hợp và ủng hộ nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế cũng như các diễn đàn ASEAN đóng vai trò chủ đạo, các cơ chế hợp tác khu vực; phối hợp trong các vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm như an ninh hàng hải, chống khủng bố, biến đổi khí hậu...

Tôi tin rằng với sự quyết tâm và nỗ lực của hai bên, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ sẽ tiếp tục được làm sâu sắc và hiệu quả trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.              

Sau Hội đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj đã ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giai đoạn 2017 - 2020 giữa Việt Nam và Ấn Độ. Chương trình Hành động là khuôn khổ quan trọng định hướng cho các lĩnh vực hợp tác toàn diện của quan hệ song phương, gồm chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, năng lượng, kết nối, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, giáo dục - đào tạo - nghiên cứu, văn hóa - du lịch - giao lưu nhân dân, pháp luật và tư pháp, y tế - nông nghiệp - thủy sản và chăn nuôi, tài chính và tín dụng, và hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.